Hôm nay, mình xin phép chia sẽ với các bạn những kiến thức mà mình tìm hiểu được về công nghệ OLED WRGB, đây là công nghệ mà LG hiện đang sử dụng trên các dòng TV của hãng. Về cơ bản thì quy tắc hoạt động của OLED gần với CRT/Plasma hơn là LCD. Thế nhưng bạn có biết rằng trên thực tế thì cách áp dụng công nghệ OLED WRGB trên TV của LG lại có phần gần với LCD hơn là CRT/Plasma?
OLED là gì?
Trước tìm hiểu công nghệ WRGB OLED mà LG sử dụng trong TV của họ, mình sẽ giới thiệu một số điều cơ bản mà bạn nên biết về công nghệ OLED.
TV OLED sử dụng các bóng đi-ốt hữu cơ có khả năng tự phát sáng - ảnh LG
OLED là tên gọi tắt của Organic Light Emitting Diode, hay tiếng Việt là đi-ốt phát sáng hữu cơ. Đây được xem là công nghệ hiển thị sẽ thay thế cho LCD, sở hữu tất cả ưu điểm của cả công nghệ hiển thị Plasma và LCD. Sở dĩ chúng ta nói nguyên tắc hoạt động của OLED gần hơn với CRT và Plasma là vì mỗi điểm ảnh của nó sẽ bao gồm 3 điểm ảnh phụ, mỗi điểm ảnh phụ tương ứng với một đi-ốt có khả năng tự phát sáng. Tương tự như việc điểm ảnh của Plasma và CRT thực chất là những ô chứa hoá chất, khi được kích thích bởi dòng điện (Plasma) hoặc tia âm cực (CRT) sẽ tự phát ra ánh sáng.
Cơ chế hoạt động của OLED cũng giống như Plasma - www.edsavhandbook.com
Ưu điểm của phương pháp này đó là tốc độ đáp ứng nhanh nhất và đem lại độ tương phản cao nhờ màu đen rất sâu (do điểm ảnh tắt hẳn). Trong khi đó bản chất mỗi điểm ảnh phụ LCD là một khối tinh thể lỏng với tấm lọc màu phía trước, phát sáng gián tiếp bởi hệ thống đèn nền phía sau (hoặc bên cạnh đối với đèn LED viền). Do đèn nền luôn sáng và các tinh thể LCD không thể chặn toàn bộ ánh sáng đi qua, màu đen của TV LCD/LED không thể sâu như TV OLED.
Màn hình Super AMOLED trên điện thoại là điển hình của công nghệ RGB OLED - ảnh gsmarena
Khi nói đến màn hình OLED, thực chất cái mà chúng ta thường nghĩ đến là RGB OLED. Công nghệ RGB OLED sử dụng 3 đi-ốt với 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương) để tạo thành một điểm ảnh. Thế nhưng chế tạo ra những bóng đi-ốt hữu cơ với 3 màu khác nhau với kích thước lớn là việc không hề dễ dàng. Trên thực tế thì Samsung từng thất bại trong việc thương mại hoá TV OLED với tấm nền RGB OLED, dù họ gần như thống trị phân khúc màn hình OLED (AMOLED) cỡ nhỏ dành cho thiết bị di động. Nguyên nhân chủ yếu là với mỗi màu khác nhau, mỗi bóng đi-ốt hữu cơ được cấu tạo bởi các hợp chất hữu cơ khác. Chẳng những việc sản xuất đã khó khăn mà tốc độ thoái hoá của chúng cũng khác nhau, khiến bài toán cân bằng giữa tuổi thọ và chất lượng hình ảnh của nhà sản xuất càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Đối với màn hình điện thoại, giải pháp mà chúng ta thường thấy là sử dụng kiểu sắp xếp điểm ảnh theo dạng Pentile, tức là điểm ảnh phụ sẽ có kích thước khác nhau tuỳ theo tốc độ thoái hoá (thường xanh dương sẽ lớn nhất, đến đỏ và nhỏ nhất là xanh lá). Tuy nhiên thiết lập bất cân bằng này làm giảm cảm nhận độ nét của mắt (dù rằng số lượng điểm ảnh chính vẫn không thay đổi so với RGB) nên hãng không áp dụng nó cho TV (vốn có mật độ điểm ảnh thấp hơn nhiều so với các thiết bị di động). Công nghệ WRGB OLED sử dụng trên TV LG
LG có thể xem là hãng sản xuất TV OLED lớn nhất hiện nay với hàng loạt mẫu ra mắt trong những năm vừa qua. Đặc điểm chung của TV OLED LG là chúng không sử dụng kiến trúc RGB thông thường mà dùng kiến trúc WRGB. Vậy WRGB OLED khác gì với RGB OLED?
Cơ chế hoạt động của WRGB OLED khá giống với LCD hiện tại - ảnh www.newspim.com
Dù cái tên WRGB khá giống với RGB nhưng thực chất cơ chế chúng hoàn toàn khác biệt. Thay vì phải làm các điểm ảnh phụ với 3 màu khác nhau, phức tạp và gặp phải vấn đề về tốc độ thoái hoá, giải pháp WRGB của LG là sử dụng tất cả các bóng đi-ốt hữu cơ màu trắng. Để tạo ra ba màu cơ bản, hãng dùng tấm lọc màu tương tự như LCD. Nói một cách đơn giản, các đi-ốt hữu cơ mà trong thiết lập WRGB chỉ đóng vai trò là đèn nền, màu sắc mà nó tạo ra thực chất là đã qua tấm lọc (đỏ, xanh lá, xanh dương). Phương pháp này cũng tương tự như cách tạo màu của LCD, dùng tấm lọc để tạo màu cho ánh sáng trắng phát ra từ đèn nền.
Hệ thống đèn nền LED của TV LCD - ảnh www.em.avnetasia.com
Dù vậy, WRGB vẫn vượt trội hơn so với LCD ở khả năng kiểm soát ánh sáng. Bản thân các đi-ốt hữu cơ cho phép LG có thể kiểm soát ánh sáng “trên từng điểm ảnh phụ” với mức độ chính xác cao nhất có thể. Các TV LED cao cấp nhất hiện nay đang cố mô phỏng lại hiệu ứng này thông qua tính năng làm mờ cục bộ (local dimming), tuy nhiên do kích thước các bóng LED quá lớn (ngay cả so với điểm ảnh chính) nên hiệu quả là không thể sánh được so với OLED. Bên cạnh đó, ánh sáng của đi-ốt đi trực tiếp đến tấm lọc nên chất lượng không bị suy giảm như khi phải qua lớp tin thể lỏng của LCD. Chính khả năng kiểm soát này là chìa khoá giúp OLED (cả WRGB và RGB) có thể tắt đi-ốt hữu cơ khi hiển thị màu đen, và đem lại độ tương phản cực cao.
Chụp marco màn hình của TV OLED LG - ảnh Digital Versus
Một điểm cần lưu ý là thay vì có 3 điểm ảnh phụ cho mỗi điểm ảnh chính, WRGB có đến 4 điểm bao gồm: trắng, đỏ, xanh lá, xanh dương. Câu hỏi có lẽ nhiều người đặt ra nhất là vì sao LG lại thêm điểm ảnh màu trắng vào bộ 3 màu cơ bản, và tác dụng của nó ra sao? Thật ra OLED có một yếu điểm là do bản chất của nó là các đi-ốt siêu nhỏ tự phát sáng, mức sáng của các dòng TV OLED thế hệ đầu là tương đối thấp. Điểm ảnh màu trắng thực chất là ánh sáng gốc của bóng đi-ốt hữu cơ ở cường độ tối ưu nhất, giúp tăng độ sáng cho toàn khung hình. Tuy nhiên về mặt tái tạo màu sắc, điểm ảnh trắng không có tác dụng gì khác ngoài việc tăng cường độ sáng khi trình diễn màu trắng (tối ưu hoá độ tương phản). Bên cạnh đó, đây có lẽ là một phần lý do mà khi trình diễn độ những cảnh sáng với độ tương phản thấp, EG930T mà mình đánh giá gần đây không thể hiện được sự vượt trội về màu sắc so với TV LED truyền thống.
Cơ chế hiển thị khác với RGB OLED, tuy nhiên WRGB OLED vẫn giữ được ưu thế về độ sâu màu đen - ảnh LG
Nếu các bạn để ý, các video demo TV OLED chủ yếu là những cảnh có độ tương phản rất cao và nhấn mạnh vào khả năng thể hiện màu đen cực sâu của TV. Trong khi đó các video demo TV LED thường đánh vào màu sắc rực rỡ bắt mắt với độ sáng cao, hạn chế trình diễn các chi tiết màu đen trên màn hình. LG G6 Signature ra mắt tại CES 2016 vừa qua được công bố với mức sáng tối đa lên đến 1000 nit, tương đương các dòng TV LED cao cấp nhất, hứa hẹn sẽ khắc phục được yếu điểm này của OLED. RGB OLED hay WRGB OLED cho chất lượng hình ảnh tốt hơn?
Vào thời điểm 2013, khi mà cuộc đua phát triển TV OLED có thể xem là nóng nhất, tranh cãi giữa việc RGB OLED (Samsung, liên minh Sony-Panasonic) hay WRGB (LG) mới là công nghệ cho ra hình ảnh tốt hơn là rất quyết liệt. Mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình, ngặt nỗi tất cả đều chỉ là trên lý thuyết. Còn đến thời điểm mình viết bài này, tất cả những tranh cãi đó đều không còn mấy ý nghĩa. Lý do?
Tạm chưa xét về mặt công nghệ và chất lượng hình ảnh, LG là hãng duy nhất chiến thắng trong cuộc đua thương mại hoá TV OLED. Không chỉ sản xuất TV OLED đại trà, LG thậm chí còn đưa giá của TV OLED xuống gần ngang LED (chẳng hạn như giá của TV OLED EG910T giá hãng là 56 triệu, tức là còn thấp hơn 60 triệu của TV LED UF950T). Trong thời gian đó, Samsung cũng ra mắt TV OLED sử dụng kiến trúc RGB, nhưng chỉ dùng để phô diễn công nghệ là chính và mức giá rất cao nên cũng không bán rộng rãi. Và từ năm 2015, Samsung đã chính thức ngưng việc phát triển TV OLED để tập trung vào TV LCD/LED sử dụng chấm lượng tử (quantum dot). Dù có một số tin đồn là Samsung sẽ trở lại cuộc đua TV OLED trong năm 2017, hiện tại thì bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài TV OLED WRGB.
Nguồn: tinhte.vn