5 sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo

5 sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo

Biên tập bởi: Nguyễn Đình Huy - Cập nhật ngày 07/02/2022 15:07

Cúng ông Công ông Táo là một nét văn hóa, phong tục của người dân Việt Nam được lưu truyền từ bao đời nay. Tuy nhiên trong quá trình làm lễ cúng, nhiều người do không hiểu rõ về tập tục này nên có những hành vi không đúng. Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn 5 sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo.

1.

Cúng ông Công ông Táo dưới bếp

Đây là sai lầm khi cúng ông Công ông Táo mà nhiều người mắc phải. Vì họ nghĩ rằng ông Công là thần thổ công nên cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên cúng ở dưới bếp. Nên vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, một số gia đình chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng để đặt trên bàn thờ gia tiên và đặt ở dưới bếp.


Mâm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm linh thì việc cúng lễ như vậy là hoàn toàn sai. Việc làm mâm cúng phải được đặt tại ban thờ gia tiên hoặc có một bàn thờ Táo quân riêng chứ không nên đặt tại bếp. Vì bếp là nơi nấu nướng, nhiều dầu mỡ, không được sạch sẽ nên việc cúng lễ ở đây sẽ thiếu đi sự trang trọng cần có.

2.

Cúng tiền âm phủ

Khi cúng ông Công ông Táo gia chủ tuyệt đối không nên đốt tiền âm phủ vì ông Công ông Táo là thần tiên chứ không phải là vong hồn người âm. Ngoài ra, vào ngày này nhiều người còn bỏ ra một số tiền lớn lên đến hàng triệu đồng chỉ để mua vàng mã về đốt với niềm tin mâm cao cỗ đầy thì sẽ được ban nhiều tài lộc, xóa bỏ những việc xấu trong năm.

Thế nhưng đây là một hành vi hoàn toàn sai lầm vì nó không mang lại lợi ích gì mà lại còn gây ô nhiễm môi trường.

3.

Quan niệm sai lầm cúng càng nhiều lễ vật càng tốt

Nhiều gia đình có quan niệm rằng cúng càng nhiều lễ vật thì sẽ được Táo quân ban càng nhiều phước lành. Tuy nhiên, đây là quan niệm không đúng, gây lãng phí, tốn kém tiền của không cần thiết.

Mâm cúng ông Công ông Táo không cần chuẩn bị quá cầu kỳ mà miễn sao thể hiện được sự thành tâm của gia chủ với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp.

Gia chủ cần chuẩn bị lễ vật sau: cá chép, gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, bát canh, đĩa xào, đĩa hoa quả, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà.


Mâm lễ cúng ông Công ông Táo không cần phải quá hoành tráng mà quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm của gia chủ

Lưu ý, khi làm lễ cần phải thành tâm kính cẩn, ăn mặc kín đáo, trang nghiêm, đọc văn khấn to, rõ ràng.

4.

Sai lầm khi tiến hành nghi thức thả cá chép

Nghi lễ cúng ông Công ông Táo thì không thể thiếu cá chép. Nhiều gia đình dùng cá chép giấy hóa cùng mũ áo vàng tiền hoặc cá chép thật phóng sinh ra ao, hồ.

Nhiều người khi đi thả cá thường có động tác ném cá xuống ao hồ từ trên cao xuống hoặc thả cá cùng với túi nilon khiến cá có ít cơ hội sống sót.

Vì thế, tuyệt đối không đứng từ trên thành cầu hay các địa điểm cao ném cá xuống mà hãy để cá dưới mép miệng nước để cá từ từ bơi ra. Bên cạnh đó, không để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước vì không những làm chết cá mà còn gây ô nhiễm nguồn nước.


Tuyệt đối tránh thả cá từ trên cao xuống khiến cá dễ chết

Ngoài ra, người dân cũng cần chọn nguồn nước sạch để thả cá, tránh môi trường nước ô nhiễm để tăng khả năng sống sót cho cá.

5.

Làm lễ cúng sau 12h ngày 23 tháng Chạp Âm lịch

Cúng ông Công ông Táo cần tiến hành trước ngày 23 tháng Chạp, không cần phải làm đúng ngày nhưng nhất thiết phải hoàn tất việc làm lễ trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Vì theo quan niệm dân gian thì thiên đình sẽ đóng cửa sau 12 giờ trưa. Nên nếu thực hiện lễ cúng quá muộn, thả cá sau 12 giờ trưa thì ông Công ông Táo sẽ không kịp lên trời.

Trên đây là 5 sai lầm khi cúng ông Công ông Táo mà bạn tuyệt đối không nên mắc phải. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm khi thực hiện nghi lễ vào ngày này.