Ý nghĩa, nguồn gốc ngày Thất Tịch và sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu

Ý nghĩa, nguồn gốc ngày Thất Tịch và sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu

Biên tập bởi: Trương Vân Anh - Cập nhật ngày 23/07/2022 08:17

Ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm còn được biết đến là ngày Thất tịch hay ngày lễ tình yêu ở Phương Đông. Và thời gian gần đây, các bạn trẻ ở Trung quốc, Việt Nam, Nhật Bản…. cũng coi ngày Thất tịch trở thành một ngày lễ đặc biệt để bày tỏ tình cảm hay là ngày để các cặp đôi yêu nhau hâm nóng tình yêu bền chặt. Vậy bạn đã biết đến sự tích Ông Ngâu bà Ngâu hay sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ gắn liền với ngày 7 tháng 7 âm lịch hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ này cùng MediaMart qua bài viết sau đây

1.

Những điều thú vị về ngày 7.7 âm lịch theo văn hóa Việt Nam

Theo văn hóa Việt Nam, ngày 7 tháng 7 âm lịch cũng đã tồn tại từ khá lâu. Và vào ngày này hàng năm trời cũng thường đổ mưa hay còn gọi là ngày mưa ngâu. Tương truyền là nước mắt của Ông Ngâu và Bà Ngâu khi gặp nhau. Nếu trời không đổ mưa, các cặp đôi sẽ cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và cùng thề hẹn để ước mong một tình yêu bền chặt, mãi mãi bên nhau. 


Cũng theo quan niệm dân gian, các cặp đôi yêu nhau cũng kiêng kỵ cưới hỏi vào thời gian này vì sợ gặp phải những điều không may mắn, dễ chia xa. Chính vì thế, ông cha ta vẫn lưu truyền câu: “ Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu. Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”.  Thay vào đó, người ta thường đi lễ Chùa để cầu duyên và mong ước những điều tốt đẹp, thuận lợi. 

2.

Ý nghĩa ngày Thất tịch 7 tháng 7 âm lịch

Ngày Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc và gắn liền với truyền thuyết về Ngưu Lang - Chức Nữ mà ở Việt Nam ông cha ta còn gọi là Ông Ngâu - Bà Ngâu. Chính vì thế ngày 7 tháng 7 âm còn được gọi là ngày Ông Ngâu - Bà Ngâu, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngày nay, giới trẻ các nước ở khu vực Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc… coi ngày 7 tháng 7 âm lịch là ngày tình yêu. Hay đôi khi người phương Tây còn gọi là Valentine Đông Á. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc và cảm động về câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang - Chức Nữ nên ngày Thất Tịch ( 7 tháng 7 âm lịch) trở nên có ý nghĩa hơn với các cặp đôi yêu nhau. 

3.

Sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu hay sự tích Ngưu Lang Chức Nữ

Sự tích về Ngưu Lang Chức Nữ hay văn hóa Việt gọi là Ông Ngâu Bà Ngâu có nhiều dị bản khác nhau. Nhưng truyền thuyết về ngày lễ này theo văn hóa Việt như sau: 


Chuyện xưa kể rằng, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng. Chàng say mê trước nhan sắc nàng tiên dệt vải Chức Nữ và cả hai đem lòng yêu nhau. Nhưng vì mải mê đắm chìm trong tình yêu mà không hoàn thành tốt công việc của mình nên Ngọc Hoàng tức giận và bắt hai người ra ở hai đầu dải Ngân Hà, mỗi năm chỉ được gặp nhau vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 Âm lịch) trên cầu Ô Thước. 

Mỗi lần gặp nhau vì thời gian không dài và mỗi năm cũng chỉ được đoàn tụ một lần, Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp không ngừng khóc than và biết bao nỗi nhớ thương, tâm sự. Nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian và hóa thành cơn mưa ngâu. Và theo văn hóa người Việt còn gọi ngày này là ngày ông Ngâu bà Ngâu gặp nhau. Cũng để giải thích cho hiện tượng mưa ngâu vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm 


Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ theo văn hóa Trung Quốc như sau: 

Có một chàng trai trẻ tuổi tên Ngưu Lang đang chăn bò thì nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm và đùa giỡn vui hè trong hồ. Bởi vì sự xúi giục của con bò đực, Ngưu Lang đã lấy trộm váy áo của họ để trêu trọc. Khi các nàng tiên phát hiện quần áo bị mất đã cử cô em út xinh đẹp là Chức Nữ ra để lấy lại váy áo. Chức Nữ đành phải nghe theo lời các chị. Nhưng do Ngưu Lang đã thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận làm vợ chàng theo lễ giáo phong kiến.

Từ đó hai người trở thành vợ chồng và sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng bà Thiên Hậu - mẹ của Chức Nữ tức giận khi thấy nàng lấy một kẻ tầm thường như Ngưu Lang. Thiên Hậu bèn bắt nàng quay trở lại Thiên Đình để làm công việc dệt mây ngũ sắc. Sau đó bà đã rút kẹp tóc của nàng ra và vạch một con sông rộng trên bầu trời nhằm chia mãi mãi với Ngưu Lang. Vậy là Ngưu Lang Chức Nữ đành ở xa nhau từ đó. Hàng ngày nàng ngồi dệt vải bên bờ sông và buồn bã nhớ thương chồng. Còn Ngưu Lang ở dưới hạ thế thì chăm sóc hai con và ngóng trông vợ từ xa. Cảm thương cho tình cảm và hoàn cảnh của họ, những con quạ cùng nhau bay lên trời và kết thành cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau vào đêm thứ 7 tháng 7 âm lịch. Sau này, Ngọc Hoàng vì cảm thương cho tình yêu của họ đã cho phép Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau một lần vào ngày này. Và từ đó có ngày Thất Tịch được ra đời. 


Câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ hay còn có tên gọi khác là Ông Ngâu Bà Ngâu mang nhiều ý nghĩa và giá trị đẹp về tình yêu trong văn hóa truyền thống. Ngày nay, nét đẹp trong văn hóa ấy vẫn được các bạn trẻ gìn giữ và phát huy với những cách thể hiện khác nhau như ăn chè đậu đỏ, đi lễ chùa cầu duyên hay tặng cho người yêu những món quà kỉ niệm …. 

Bài viết trên đây của MediaMart đã chia sẻ về nguồn gốc sự tích về ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hay còn biết đến là sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu, sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Mong rằng bài viết này sẽ cho bạn thêm hiểu về ngày lễ đặc biệt này.