5 biện pháp chống rò điện cho bình nóng lạnh

5 biện pháp chống rò điện cho bình nóng lạnh

Ngay từ khi lắp đặt bình nóng lạnh, người dùng nên trang bị thêm dây tiếp đất và công tơ chống giật để phòng tránh sự cố rò điện.

1.

5 biện pháp chống rò điện cho bình nóng lạnh

Ngay từ khi lắp đặt bình nóng lạnh, người dùng nên trang bị thêm dây tiếp đất và công tơ chống giật để phòng tránh sự cố rò điện.

Bình nóng lạnh là thiết bị không thể thiếu vào mùa Đông. Ảnh: Ariston

1. Sử dụng cầu Áp-tô-mát
Sử dụng Áp-tô-mát hay cầu dao tự động (Circuit Breaker - CB) là biện pháp chống giật phổ biến nhất cho bình nóng lạnh. Nhiệm vụ của thiết bị này là phát hiện tình trạng quá tải hay ngắn mạch để ngắt mạch điện. Người dùng có thể chọn mua Áp-tô-mát dựa trên công suất của bình.
Đối với bình nóng lạnh mini công suất 1.500W, người dùng nên chọn loại 10A trở lên. Áp-tô-mát dành cho bình nóng lạnh gián tiếp 2.500W, nên chọn loại 16A hoặc 20A, còn với bình nóng lạnh trực tiếp công suất 3.500W và 4.500W, lần lượt chọn Áp-tô-mát 25A và 35A.

2. Sử dụng cầu dao chống giật (ELCB)

Cầu dao chống giật ELCB (màu đỏ). Ảnh: Ferrori

Hầu hết các loại bình nước nóng trên thị trường hiện nay đều trang bị cầu dao chống giật (ELCB – Earth Leakage Circuit Breaker). Cầu dao chống giật có nguyên lý hoạt động gần giống Áp-tô-mát thu nhỏ, lắp ngay trên dây nguồn của bình nóng lạnh. Điểm khác biệt của nó là khả năng phát hiện dòng rò dựa trên sự cân bằng giữa nguồn điện đi ra và đi vào thiết bị trong mỗi chu kỳ, ngắt khi phát hiện sự cố bất thường để ngăn hiện tượng rò rỉ điện ra bên ngoài.

3. Lắp đặt hệ thống dây tiếp đất
Hệ thống dây tiếp đất chống giật là biện pháp hiệu quả nhất để triệt tiêu điện áp rò rỉ, được nhiều kỹ thuật viên khuyến cáo sử dụng. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều gia đình đã thiết kế hệ thống dây tiếp đất khi lắp đặt bình nóng lạnh. Nếu không may xảy ra sự cố rò điện, người dùng cũng chỉ chịu phần nhỏ tác động vì phần lớn điện năng đã theo dây tản xuống dưới đất.
Theo kinh nghiệm của kỹ thuật viên lâu năm Đinh Văn Chiến, các gia đình ở tầng cao có thể tận dụng dây nối đất sẵn bằng kim loại như cọc chống sét, đường ống bằng kim loại... như một phương án hạn chế rủi ro. Ông Chiến nói thêm: "Các gia đình ở tầng cao có thể khoan mũi khoan vào sắt dầm để nối dây tiếp đất để giảm thiểu nguy cơ bị điện giật do bình nóng lạnh, cũng như các thiết bị khác". Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là người dùng không thể tính toán chính xác điện trở của dây tiếp đất.

4. Bảo dưỡng định kỳ

Bảo dưỡng thường xuyên có thể kéo dài tuổi thọ của bình nóng lạnh. Ảnh: 911RAP

"Bảo dưỡng định kỳ khoảng 6 tháng một lần là cách vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm tổn hao năng lượng. Quá trình này yêu cầu chủ nhà phải tháo bình xuống, dùng dung dịch có tính axit để súc, rửa lòng bình và kiểm tra tình trạng dây may so", ông Chiến cho biết.
Bình nóng lạnh là loại thiết bị hoạt động bền bỉ và có hệ số an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, việc liên tục hoạt động dưới nhiệt độ cao khiến linh kiện bên trong bị lão hóa nhanh hơn. Hiện tượng ăn mòn thanh nhiệt (thường làm bằng Magiê) hay đóng cặn dây may so sẽ xảy trước rồi mới tới vỏ bình. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc của bình (bình tốn nhiều thời gian hơn để đun nóng nước), giảm chất lượng nước và tiềm ẩn rủi ro rò điện khi tắm.

5. Ngắt điện trước khi tắm
Một số ý kiến cho rằng bình nóng lạnh có rơ-le tự ngắt nên sẽ tránh được các tai nạn đáng tiếc. Nhưng theo ông Chiến, "cách tốt nhất để đề phòng rủi ro nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng bình nóng lạnh là đợi nước đủ nóng, tắt bình rồi mới tắm". Nguyên nhân là do rơ-le tích hợp bên trong bình chỉ có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ nước (cấp điện khi nước nguội và ngắt khi nước đủ nhiệt độ).

Theo vnexpress.net