Chuẩn truyền hình DVB-T2 trên tivi ngày càng xuất hiện nhiều kênh truyền hình hấp dẫn với nhiều nội dung phong phú và chất lượng được cải thiện rất nhiều. Trong bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách lắp ăng-ten như thế nào để thu được nhiều kênh DVB-T2 nhất nhé.
Xác định vị trí đặt ăng-ten phù hợp
- Tín hiệu kỹ thuật số trên mặt đất DVB-T2 được truyền theo đường thẳng, và do độ cong của bề mặt Trái đất có dạng hình cầu nên việc thu sóng với khoảng cách trên 100 km dễ gặp khó khăn.
- Đối với các tình huống có nhiều vật cản như đồi núi, các tòa nhà cao tầng, thì khả năng thu sóng sẽ còn thấp hơn đáng kể. Chính vì vậy, để có thể thu được sóng DVB-T2 một cách tối ưu nhất thì việc đầu tiên là chúng ta phải xác định được vị trí trạm phát DVB-T2.
- Sau khi xác định được vị trí của trạm phát DVB-T2, ta có thể dùng bản đồ, hoặc Google map để xác định hướng ăng-ten thu sóng và khoảng cách từ ăng-ten đến trạm phát.
Xem thêm: Cách tra cứu tần số và hướng xoay ăng-ten bắt kênh DVB-T2?
Yếu tố quan trọng nhất để thu sóng DVB-T2 đó là khoảng cách và hướng từ ăng-ten. Các yếu tố khác bao gồm: công suất phát, chiều cao ăng-ten và các vật cản giữa ăng-ten phát và ăng-ten thu.
Xác định đúng hướng thu sóng của ăng-ten
- Nếu nơi bạn đang sống là ở gần đài phát (cách khoảng vài km) và có ít vật cản trở sóng, thì bạn chỉ cần đặt ăng-ten DVB-T2 trong nhà là vẫn có thể thu tốt sóng DVB-T2 được. Nhưng khi ở xa hơn, và có nhiều vật cản hơn thì bạn phải lựa chọn và lắp đặt ăng-ten ở vị trí cao và thoáng hơn mới thu được sóng DVB-T2.
- Ngay trong một khu vực nhất định thì việc thu tín hiệu giữa các tòa nhà cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào chất lượng của ăng-ten. Do đó, tốt nhất là nên mua ăng-ten từ một nhà cung cấp uy tín để có thể đổi, trả lại khi cần thay đổi.
Hiện tại, có những nhà cung cấp ăng-ten DVB-T2 uy tín như Truyền Hình An Viên, HT-TV, BAS,... với thiết kế nhỏ gọn (bằng cuốn tập học sinh). Ngoài ra, còn một số ăng-ten đặt trong nhà khác nhưng giá khá đắt khoảng 300.000 nghìn/ăng-ten.
Chọn Ăng-ten trong nhà hay ăng-ten ngoài trời?
- Ăng-ten trong nhà có thiết kế nhỏ, gọn để đặt ở gần hoặc phía bên tivi của bạn. Điều này mang lại tính thẩm mỹ cao, nhưng chỉ thực hiện được với những hộ gia đình tại chung cư cao tầng, gần trạm phát.
Và ngược lại, ăng-ten trong nhà sẽ thu sóng kém nếu bạn sống ở khu vực xa trạm phát, phía tầng trệt hoặc bị nhiều vật cản, các tòa nhà che chắn.
Sử dụng ăng-ten trong nhà để thu tín hiệu
- Ăng-ten ngoài trời sẽ thu sóng tốt hơn ăng-ten trong nhà. Do đó, nếu nhà bạn ở vùng nông thôn, vùng núi... thì nên dùng loại ăng-ten này. Khi đặt ăng-ten ở ngoài trời, bạn nên lựa vị trí thông thoáng, hướng ăng-ten có thể nhìn thấy được chân trời, không bị vật cản trở.
Ăng-ten ngoài trời cho khả năng thu tín hiệu mạnh hơn, vì trong mạch ăng-ten có khuếch đại nên bắt sóng tốt, ngoài ra ăng-ten không bị nhiễu do các thiết bị gia dụng như đèn huỳnh quang, điện thoại không dây, được trang bị sơn chống tĩnh điện và chống rỉ bên ngoài, chịu được tốt thời tiết mưa nắng.
Lưu ý khi lắp ăng-ten ngoài trời:
+ Khi đặt ăng-ten DVB-T2 ngoài trời, bạn cần tránh đường dây điện, các trụ đỡ của ăng-ten cũng cần phải chắc chắn. Nếu trụ được đặt càng cao thì ta càng cần phải đảm bảo độ an toàn khi có gió mạnh, bão,...
+ Bạn nên chọn tần số đài phát tương ứng theo khu vực, sao cho cường độ và chất lượng đảm bảo thông số kỹ thuật (thông thường cường độ ở mức lớn hơn hoặc bằng 40%, chất lượng ở mức lớn hơn hoặc bằng 90%).
Lựa chọn dây kết nối ăng-ten với đầu thu
Dây cáp ăng-ten là một thành phần quan trọng. Cáp đồng trục có khả năng chống nhiễu và độ bền cao hơn cáp song hành, do đó, chúng ta nên sử dụng dây đồng trục và jack nối tốt trong mọi trường hợp.
Đồng thời, qua thực tế, bạn nên dùng đầu nối xoắn với cáp đồng trục để dễ dàng lắp đặt mà không cần dụng cụ chuyên dùng, bên cạnh đó, chúng còn có khả năng chịu nước tốt và rất chắc chắn.
Chúng ta nên sử dụng dây cáp đồng trục
Một số lưu ý về dây ăng-ten:
+ Luôn sử dụng cáp đồng trục chất lượng cao.
+ Hạn chế việc nối dây và không bẻ gập dây.
+ Ăng-ten ngoài trời nên được nối đất chống sét (điều này không chỉ là một cân nhắc an toàn vô cùng quan trọng, mà đây còn là một yêu cầu bắt buộc ở một số quốc gia).
+ Các kết nối ngoài trời cần được bảo vệ khi tiếp xúc với các yếu tố thời tiết bằng cách bôi keo silicon quanh các mối nối hoặc dán băng keo cách điện.
Trên đây là một số hướng dẫn về cách lắp ăng-ten để có thể thu được nhiều kênh DVB-T2 nhất. Hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích dành cho bạn. Và nếu còn bất kì thắc mắc nào, bạn đừng ngần ngại để lại bình luận để chúng tôi giải đáp nhé.