Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền chuẩn nhất

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền chuẩn nhất

Biên tập bởi: Nguyễn Thị Lợi - Cập nhật ngày 01/06/2022 10:41
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân thường làm mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành và cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn. Dưới đây là mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở cả 3 miền chuẩn nhất mà bạn có thể tham khảo.

1.

Tết Đoan Ngọ là ngày gì?

Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết Diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam và được quan tâm cúng cầu.

Tết Đoan Ngọ được người dân tổ chức vào mùng 5/5 âm lịch. Năm 2022, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Sáu ngày 3/6/2022 dương lịch.

Theo truyền thống, vào ngày 5/5, người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên, thần linh, cầu nguyện một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh tàn phá.

Ngoài ra, người Việt xưa còn tin đây là ngày để loại bỏ sâu bọ trong cơ thể. Vì thế những thức quả có vị chua, chát như vải, mận thường được chọn để cúng Tết Đoan Ngọ.


Tùy thuộc vào từng vùng miền mà ngày diệt sâu bọ sẽ được cúng lễ theo cách khác nhau. Mỗi món ăn, lễ vật có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ đều mang ý nghĩa riêng của từng vùng miền nhưng tất cả đều mang lòng thành kính, hướng về tổ tiên.

2.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền Bắc, Trung, Nam

Theo truyền thống, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như vải, mận; rượu nếp, cơm rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro)... Ngoài ra còn cần chuẩn bị hương, hoa, vàng mã tùy vào văn hóa, phong tục của từng miền.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc

- Hương, hoa, vàng mã.

- Nước, rượu nếp.

- Các loại hoa quả (mận, vải...).

- Xôi, chè.

- Bánh tro, bánh ú: được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Đây là loại bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật.

- Cơm rượu nếp: là món đặc trưng của người miền Bắc, đặc biệt là món cơm rượu nếp cái hoa vàng bởi không phải nơi nào cũng có và ngon như ở nơi đây. Một số nơi còn có thêm cơm rượu nếp cẩm.


Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung

- Hương, hoa, vàng mã.

- Nước, rượu nếp.

- Các loại hoa quả như vải, mận…

- Bánh tro, bánh ú.

- Chè kê: là món đặc biệt quen thuộc và xuất hiện trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ của tỉnh Quảng Nam.


- Thịt vịt: món ăn này thường có trên mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung. Vì theo quan niệm xưa, thịt vịt có tính mát, ăn vào sẽ làm mát, giải nhiệt cho cơ thể, có khả năng bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

- Cơm rượu: món này ở miền Trung được làm bằng phương pháp lên men cổ truyền, có hình dạng vuông vức.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam

- Hương, hoa, vàng mã.

- Nước, rượu nếp.

- Các loại hoa quả như vải, mận…

- Cơm rượu: khác với miền Trung, cơm rượu ở miền Nam không để rời mà được vo thành những viên tròn trước khi ủ. Đến khi rượu dậy mùi thì thêm nước đường vào. Ăn cảm giác giống như xôi chè ở miền Bắc.


- Bánh ú bá trạng: được làm tương tự như bánh tro nhưng to hơn một chút. Bánh làm từ gạo nếp và được nhồi nhiều loại nhân, sau đó gói trong lá rồi đem đi luộc hoặc hấp chín.

- Chè trôi nước: là những viên chè tròn to được làm bằng bột nếp trắng, có nhân là đậu xanh thơm bùi, ăn cùng với nước đường gừng và nước cốt dừa.

3.

Cúng Tết Đoan Ngọ 2022 vào giờ nào tốt nhất?

Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h đến 13h. Do vậy, lễ cúng Tết Đoan Ngọ nên được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch.

Nếu gia chủ không sắp xếp được thời gian cúng lễ vào khung giờ trên thì có thể cúng vào khung giờ 7h – 9h sáng.


Đây là hai khung giờ hoàng đạo, rất thích hợp để thực hiện những nghi lễ cúng bái tâm linh.

Trên đây là thông tin về mâm cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền Bắc, Trung, Nam chuẩn nhất. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn chuẩn bị được mâm cúng đầy đủ để cầu cúng thuận lợi, gặp nhiều may mắn.