Dùng lò vi sóng gây ung thư?

Dùng lò vi sóng gây ung thư?

Biên tập bởi: Nguyễn Mạnh Hải - Cập nhật ngày 23/10/2021 16:39

Tôi nghe người quen nói, lò vi sóng phát ra bức xạ làm mất nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Ăn nhiều thức ăn như vậy làm tăng mỡ máu, thậm chí còn bị bức xạ làm ung thư.

1.

Dùng lò vi sóng gây ung thư?

Tôi nghe người quen nói, lò vi sóng phát ra bức xạ làm mất nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Ăn nhiều thức ăn như vậy làm tăng mỡ máu, thậm chí còn bị bức xạ làm ung thư.

Rủi ro từ lò vi sóng chủ yếu là do cách sử dụng chưa đúng, chứ không phải vi sóng làm thực phẩm bị biến đổi đến mức ung thư mỡ máu,…

Không phải bức xạ nào cũng gây ung thư

Bức xạ (radiation) là tia mang năng lượng phát ra từ vật thể nào đó như tivi, mobile phone, lò sưởi, mặt trời,…). Những một số loại tia này có thể nhìn thấy, nhưng hầu hết là những tia không nhìn thấy được.

Bức xạ được chia làm 2 loại:

- Bức xạ ion hóa (ionizing radiation) là các tia mang năng lượng cao, đi xuyên qua các tế bào, và làm tế bào làm việc lệch lạc, thậm chí có thể biến đổi yếu tố di truyền, gây ung thư,… Các bức xạ này thường gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, nhiều hay ít tùy loại bức xạ và cũng tùy mức độ phơi nhiễm. Có thể kể vài bức xạ ion hóa là các chất phóng xạ (radioactive), bức xạ vũ trụ, tia X,…

- Bức xạ không ion hóa (non-ionizing radiation), cũng là các tia mang năng lượng, có thể đi xuyên qua tế bào, nhưng không đủ mạnh để làm thay đổi tế bào về mặt hóa học. Các bức xạ loại này gồm: tia tử ngoại (từ mặt trời), trường điện từ, sóng vô tuyến, các bức xạ phát ra từ tivi, radio, màn hình vi tính, điện thoại,… Bức xạ trong lò vi sóng thuộc loại này.

Trong số các loại bức xạ không ion hóa, chỉ có tia tử ngoại được xác định là có thể gây ung thư da nếu phơi nhiễm quá mức. Còn các loại bức xạ không ion hóa khác chưa rõ ràng, nói cách khác chỉ mới là tin đồn

Vi sóng gây ung thư và mỡ máu cao?
Cũng có một vài nghiên cứu cho rằng có mối liên quan giữa sử dụng lò vi sóng và ung thư , nhưng bằng chứng quá yếu, không thuyết phục.

Lò vi sóng phát ra bức xạ không ion hóa, tương tự như sóng radio, tivi,… nhưng có độ dài sóng rất ngắn (tần số cao). Khi lò hoạt động tạo ra điện từ trường xung quanh, và giảm rất nhanh với khoảng cách 10 cm. Hầu hết giới khoa học đều cho rằng năng lượng phát sinh từ lò vi sóng rất yếu, không thể gây hại cho vật liệu di truyền (DNA), và do đó không có rủi ro gây ung thư.

Còn ăn thực phẩm nấu bằng lò vi sóng có ảnh hưởng đến mỡ máu hay không. Đầu têu scandal này là 2 ông bác sĩ (?) Hans Hertel và Tom Valentine ở một thị trấn nhỏ bên Thụy Sỹ làm vài thí nghiệm tào lao, rồi kết luận thức ăn vi sóng làm giảm HDL (cholesterol tốt), giảm hồng cầu, bạch cầu,…

Kết quả này sau đó được Mercola đưa lên trang web của ông ta và lan truyền tá lả… Mercola là bác sĩ chuyên về nắn xương (osteopathic), nhưng bỏ nghề, quay sang kinh doanh thực phẩm chức năng. Dr. Mercola có tài viết lách, lôi kéo cả triệu “tín đồ”.

Vị bác sĩ này được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tặng cho giấy cảnh cáo vì phát ngôn bừa bãi.

Vi sóng làm biến đổi dinh dưỡng thực phẩm?

Bức xạ vi sóng làm phân tử nước trong thực phẩm dao động mạnh, va chạm, cọ xát nhau, rồi phát sinh nhiệt. Nhiệt từ nước lan truyền, làm nóng thực phẩm, và làm nóng luôn tô chén dĩa chứa thực phẩm.
Vi sóng có thể đi xuyên qua vật liệu đựng thực phẩm như sành sứ, thủy tinh, giấy, nhựa,… ( trừ chén hay nồi kim loại).

Nấu nướng chiên xào dù bằng cách nào đi nữa đều làm giảm mức dinh dưỡng của thực phẩm. Giảm ít hoặc nhiều tùy vào nhiệt độ sử dụng, và thời gian nấu nướng. Hâm nóng bằng lò vi sóng cũng thế.

Lò vi sóng có lợi là thời gian đun nóng ngắn, nên chất dinh dưỡng mất ít hơn. Nhưng cũng có điều bất lợi là thực phẩm có độ nóng không đều do truyền nhiệt không kịp, chỗ nhiệt cao, chỗ nhiệt thấp. Do đó một vài vitanin nhạy với nhiệt như B12 bị hủy nhanh hơn nơi có nhiệt cao.

Tuy nhiên, nhận định chung của giới chuyên môn là mức thất thoát dinh dưỡng giữa đun nấu bằng bếp thông thường và lò vi sóng là như nhau, khác biệt không đáng kể.

Vài rủi ro có thể

Các lò vi sóng đều có bộ phận an toàn, tự ngắt khi mở cửa lò, và mức thoát sóng quá ngách cửa lò rất thấp, dưới mức 5 milliwatts cách lò 5 cm. Ai cẩn thận hơn thì khi bật nút lò vi sóng thì cách xa tầm tay là tuyệt đối an toàn…

Do nhiệt phân bố không đều chậm, nên nhiều vùng thực phẩm chưa diệt được một số vi khuẩn gây bệnh salmonella, listeria,.. Nên tuân theo hướng dẫn khi hâm nóng thức ăn (catalog máy) để diệt khuẩn tốt hơn.

Ngoài ra, nên tránh dùng bao bì nhựa đựng thực phẩm đưa vào lò vi sóng. Chất độc từ nhựa có thể thôi vào thực phẩm.

Rủi ro từ lò vi sóng chủ yếu là do cách sử dụng chưa đúng, chứ không phải vi sóng làm thực phẩm bị biến đổi đến mức ung thư mỡ máu,…

Theo alobacsi.com