ZenFone 3 là lần đầu tiên Asus mang cảm biến vân tay lên dòng điện thoại của mình, và tất nhiên mình rất tò mò muốn biết xem nó có thể làm được gì ngoài chuyện unlock máy. Nói ngắn gọn, ZenFone 3 cho phép bạn làm khá nhiều chuyện với cảm biến vân tay này: nhận cuộc gọi, chạy nhanh camera, thậm chí là cả chụp ảnh (chị em selfie thích điều này). Cảm biến này cũng rất nhạy với thời gian phản hồi cực kì nhanh chóng. Điểm mình không thích đó là thiết kế của nó hình chữ nhật và hơi cấn tay hơn một chút so với các máy sở hữu cảm biến vân tay tròn như Nexus 6P, LG G5.
Việc dùng cảm biến vân tay để unlock giờ đã khá phổ biến và ZenFone 3 giữ lại đầy đủ những tính năng mà mình mong đợi. Trước hết là vụ unlock một chạm: khi thiết bị đang tắt màn hình, bạn vẫn có thể chạm vào cảm biến, máy sẽ tự động kích hoạt việc đọc dấu vân tay và dẫn bạn thẳng vào giao diện chính luôn. Bạn không cần phải nhấn thêm phím nguồn hay bất kì phím nào khác như trên iPhone hay Samsung. Thêm nữa, cảm biến vân tay được đặt ở vị trí rất thuận tiện cho việc sử dụng: ngay ở mặt lưng. Chỗ để cảm biến này cũng là chỗ mà ngón trỏ của bạn sẽ đặt vào khi bạn rút điện thoại từ trong túi ra, nhờ vậy mà khi đưa điện thoại lên tới thì máy đã unlock đâu đó sẵn sàng cho bạn sử dụng. Hiện tại mình đang xài Nexus 6P cũng để cảm biến sau lưng nên thao tác này rất tiện. Bên Nexus 6P còn có một cái rung nhẹ để báo máy đã unlock xong, bên ZenFone 3 thì không có và mình cũng chưa tìm được chỗ nào trong settings để chỉnh hành vi này.

Mình chỉ không thích việc Asus dùng cảm biến hình chữ nhật nên lúc chạm ngón tay vào thì thấy cảm giác khá lạ, không được tự nhiên như cảm biến tròn của Nexus 6P. Ngoài ra, do phần cảm biến được làm hơi lõm xuống (để bạn dễ rờ thấy) nên phần gờ xung quanh sẽ nổi lên và tạo cảm giác cấn cấn vào ngón tay. Nó không ảnh hưởng đến tốc độ mở khóa, chỉ là mình không thích cái cảm giác lấn cấn đó tí nào. Cũng giống như các máy Android khác có cảm biến vân tay, ZenFone 3 cũng cho phép bạn lưu nhiều dấu vân tay khác nhau. Ở đây mình chọn lưu hai dấu của hai ngón trỏ là đủ. Quá trình add ngón tay rất nhanh chóng và dễ làm, bạn thậm chí có thể nghiêng ngón tay dưới các góc khác nhau để rèn cho cảm biến nhận diện tốt hơn dù cho bạn có chạm vào nó theo hướng nào đi chăng nữa.

Một tính năng khác cũng khá hay của cảm biến vân tay trên ZenFone 3 mà mình ít thấy ở các thiết bị Android khác là khả năng chạm để nhận cuộc gọi. Bình thường, khi có cuộc gọi tới, bạn sẽ phải thao tác gì đó trên màn hình, có thể là swipe hoặc nhấn nút. Còn ở ZenFone 3, bạn chỉ cần chạm ngón tay vô cảm biến là cuộc gọi sẽ tự động kết nối ngay. Bạn cũng có thể lock không cho người khác nhận cuộc gọi, chỉ khi nào có vân tay của bạn thì mới nghe máy được nhưng mình không bật chức năng này, lỡ có cần nhờ ai nghe điện hay trong trường hợp khẩn cấp thì hơi khó. Cảm biến vân tay này còn có thể dùng để chạy nhanh camera. Chạm hai lần vào cảm biến khi máy đang mở, ứng dụng chụp ảnh sẽ chạy lên. Chạm thêm một lần nữa là chụp ảnh. Tuy vậy, mình hơi thất vọng khi tính năng này chỉ hoạt động nếu bạn đã unlock máy, còn nếu màn hình đang tắt đen mà bạn nhấn vào thì sẽ không có gì xảy ra cả. thiết bị của bạn chỉ đơn giản là sẽ unlock mà thôi.

Asus không tích hợp sẵn các chức năng khóa file, khóa ảnh, khóa app như các điện thoại Trung Quốc có cảm biến vân tay. Nhưng vì máy chạy Android 6.0 Marshmallow đã hỗ trợ cảm biến vân tay từ gốc nên bạn có thể dễ dàng cài thêm các app vân tay từ Play Store về nghịch.
Nhìn chung cảm biến vân tay của ZenFone 3 tốt, độ nhạy cao và có tính năng unlock một chạm là mình thích nhất. Vụ dùng cảm biến vân tay để trả lời cuộc gọi cũng ngon vì đó là cách rất tự nhiên mà chúng ta sẽ dùng khi rút điện thoại từ trong túi quần ra. Việc chạy nhanh camera bằng vân tay thì tốt nhưng giá mà nó hoạt động được từ màn hình khóa luôn thì hay hơn, chứ như hiện tại thì bạn vẫn phải unlock máy rồi mới khởi động camera lên được.
Nguồn: tinhte.vn