Tinh dầu tính ôn, ấm, có thể làm ấm cơ thể, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu, thông mũi họng… Song khi sử dụng để làm ấm cơ thể cũng cần có những lưu ý nhất định. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, tinh dầu nói chung đều dùng để sưởi ấm được do có tính ôn, ấm, xoa vào lòng bàn chân, tay có thể chống gió lạnh, làm ấm cơ thể.
Các loại tinh dầu như tràm, quế, gừng, sả chanh, bạc hà, hồi… đều có tác dụng giống nhau, chỉ khác nhau về hương thơm và sở thích dùng mùi hương của từng người. Những loại tinh dầu trên không chỉ mang đến hương thơm, tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu mà còn có nhiều công dụng giúp giữ gìn sức khỏe trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, tinh dầu có thể gây hại cho sức khỏe.

Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, tinh dầu nói chung là nguyên chất nên rất đậm đặc, dùng quá nhiều rất dễ gây bỏng, đặc biệt ở những vùng da mỏng, nhạy cảm. Tuyệt đối không bôi tinh dầu vào vết xước ngoài da vì dễ dẫn đến viêm da.
Đối với trẻ nhỏ cũng vậy, không bôi trực tiếp lên da trẻ bởi da trẻ còn non, rất mỏng, tinh dầu có thể gây bỏng, phồng rộp cho da. Do đó, các mẹ không nên lạm dụng các loại dầu này vào mùa lạnh vì có thể khiến làn da của trẻ dễ tổn thương.
“Nhiều phụ huynh không biết nên bôi tinh dầu một cách vô tội vạ cho trẻ là rất nguy hiểm. Nếu muốn dùng tinh dầu cho trẻ thì chỉ nên pha vài giọt vào chậu nước tắm”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, có thể sử dụng tinh dầu tự nhiên để xông bằng cách đốt, sẽ có tác dụng chống ngạt mũi, sổ mũi. Lưu ý chỉ dùng với số lượng ít, mùi thơm thoang thoảng.
Tinh dầu về cơ bản là lành tính nhưng không phải ai cũng phù hợp. Tùy theo cơ địa của mỗi người có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm khác nhau. Với người có bệnh hen suyễn mãn tính, da dễ phản ứng nhạy cảm, gia đình có trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh dầu.