Tại sao khả năng quay video HDR Dolby Vision trên Iphone 12 lại là một nâng cấp quan trọng?

Tại sao khả năng quay video HDR Dolby Vision trên Iphone 12 lại là một nâng cấp quan trọng?

iPhone 12 được trang bị khá nhiều tính năng mới, như 5G và MagSafe. Nhưng có lẽ sự bổ sung ấn tượng nhất về mặt công nghệ đối với siêu phẩm này chính là khả năng quay và biên tập video HDR 10-bit theo định dạng Dolby Vision.

1.

Tại sao khả năng quay video HDR Dolby Vision trên Iphone 12 lại là một nâng cấp quan trọng?

iPhone 12 được trang bị khá nhiều tính năng mới, như 5G và MagSafe. Nhưng có lẽ sự bổ sung ấn tượng nhất về mặt công nghệ đối với siêu phẩm này chính là khả năng quay và biên tập video HDR 10-bit theo định dạng Dolby Vision.

Vậy Dolby Vision là gì, và tại sao bạn phải quan tâm đến nó?

Tại sao Dolby Vision là một nâng cấp quan trọng?
Dolby Vision là một định dạng video HDR độc quyền. HDR là viết tắt của High dynamic range (dải tương phản động rộng), và video HDR có chứa nhiều thông tin hơn hẳn so với các video SDR (standard dynamic range - dải tương phản động tiêu chuẩn). Một camera có thể quay video HDR sẽ ghi lại được nhiều thông tin về một khung cảnh hơn thông thường, bao gồm nhiều màu sắc hơn và nhiều chi tiết thấy được hơn trong các vùng highlight và shadow.
Để tận dụng được ưu thế của video HDR, bạn phải xem nó trên một màn hình HDR. Điều tương tự cũng áp dụng với Dolby Vision, bởi nó là một định dạng độc quyền. Không phải mọi màn hình và TV HDR đều tương thích với nội dung Dolby Vision, nhưng định dạng này đang dần trở nên phổ biến hơn.
Điều khiến Dolby Vision trở nên đặc biệt là nó sử dụng siêu dữ liệu động. Không như HDR10, vốn là một định dạng mở, Dolby Vision sử dụng siêu dữ liệu động để vẽ bản đồ màu của hình ảnh theo từng cảnh hoặc từng khung hình. Phương thức này tiên tiến hơn HDR10 ở chỗ nó cung cấp cho màn hình nhiều thông tin về cách thể hiện một khung hình hơn. Dolby Vision thậm chí còn tận dụng cả những khả năng của màn hình vào quá trình vẽ bản đồ màu của video để có thể tái hiện chính xác hơn nội dung trên nhiều màn hình khác nhau.

Các smartphone đã được trang bị tính năng quay video HDR trước đây, bao gồm các mẫu máy từ Sony, LG, và Samsung (vốn ưu ái cho định dạng HDR10+ của chính mình). Apple là hãng đầu tiên hỗ trợ quay video Dolby Vision trên một thiết bị di động hoặc một camera độc lập, bởi quy trình quay video Dolby Vision thường đòi hỏi siêu dữ liệu Dolby Vision phải được thêm vào trong khâu hậu kỳ.
Lý do khiến tính năng quay video Dolby Vision trên iPhone 12 trở nên cực kỳ ấn tượng chính là lượng sức mạnh tính toán khổng lồ cần có. iPhone phải quay và xử lý dữ liệu từ cảm biến camera, ghi siêu dữ liệu Dolby Vision, và lưu tất cả trong thời gian thực. Chưa kể mọi chuyện diễn ra trong khi phần cứng máy còn đang gánh vác cả một hệ điều hành và những thứ khác liên quan đến những chức năng cơ bản của điện thoại.

Tính năng quay video Dolby Vision trên iPhone 12
iPhone 12 (giá khởi điểm 699 USD) và phiên bản mini của nó có khả năng quay video Dolby Vision ở độ phân giải 4K và 30 fps. Nếu chọn iPhone 12 Pro (từ 999 USD), bạn sẽ có thể quay video Dolby Vision ở độ phân giải 4K và 60 fps. Đó là bởi iPhone 12 Pro có nhiều RAM hơn (cả hai thiết bị đều có cùng SoC A14 Bionic).

Chip A14 Bionic là mảnh ghép cực kỳ quan trọng cho phép Apple lần đầu mang tính năng quay video HDR Dolby Vision lên iPhone. Do đó, bạn đừng hi vọng sẽ được thấy tính năng quay video Dolby Vision hay bất kỳ loại HDR 10-bit tương tự nào xuất hiện trên các thiết bị cũ hơn thông qua một bản cập nhật phần mềm.
iPhone 12 có màn hình OLED 10-bit, độ sáng tối đa 1200 nits, sáng hơn hầu hết các tấm nền OLED được sử dụng trên các màn hình máy tính hay TV trên thị trường. Hiển nhiên, nếu bạn quay video Dolby Vision, bạn sẽ muốn có một màn hình tương thích Dolby Vision để xem lại những thứ vừa ghi được!
Mang được khả năng quay video Dolby Vision lên iPhone không phải là trò đùa. Ngoài smartphone, quay video 10-bit đòi hỏi bạn phải có một chiếc máy ảnh không gương lật đắt đỏ như Sony A7S III (3.499 USD) hay Panasonic GH5S (2.499 USD), chưa tính thêm tiền ống kính. Bạn cần sử dụng các profile ảnh logarith như Slog3 (Sony) để tạo ra một ảnh "phẳng" có thể được tinh chỉnh màu trong khâu hậu kỳ.
Tiếp đó, bạn cần học cách chỉnh màu các đoạn phim HDR phù hợp với định dạng bạn muốn hướng đến, mà hầu hết người dùng không chuyên nghiệp sẽ chọn các chuẩn mở như HDR10 hay Hybrid Log Gamma (HLG). Công đoạn này bao gồm làm việc với các tập tin có kích thước khá lớn, do đó bạn sẽ cần một máy trạm để đảm bảo hiệu suất. Bạn cũng cần một màn hình tương thích HDR đủ tốt, có thể đạt được độ sáng tối đa cần thiết để thấy được thành quả của mình.
iPhone 12 không chỉ là một camera, nó còn là một thiết bị biên tập video nữa: bạn có thể biên tập các video HDR vừa quay ngay trong ứng dụng Photos của iOS. Bạn thậm chí có thể áp các bộ lọc và thay đổi các thông số video để có được kết quả như mong muốn.

Tất nhiên, iPhone vẫn bị giới hạn bởi các yếu tố như form factor, cảm biến nhỏ, ống kính không thay đổi được, thời lượng pin hạn chế, và một vi xử lý phải đảm đương nhiều thứ khác chứ không dành riêng cho việc quay video. Đừng kỳ vọng có thể làm việc như các chuyên gia Hollywood trên thiết bị bỏ túi này, nhưng bạn sẽ thấy một bước nhảy vọt về chất lượng video, số lượng màu, và độ sáng tối đa cao hơn nhiều so với các video SDR.


Những nhược điểm của quay video ở định dạng Dolby Vision
Dolby Vision là một định dạng video HDR, nhưng nó không phổ biến. So với đối thủ gần nhất, HDR10+, Dolby Vision được hỗ trợ bởi nhiều nhà sản xuất TV. Nhãn hiệu lớn duy nhất không hỗ trợ Dolby Vision cho đến thời điểm hiện tại là Samsung.
Với nhiều người, iPhone 12 sẽ là thiết bị tương thích Dolby Vision duy nhất mà họ sở hữu. Điều đó vô tình khiến những tác phẩm Dolby Vision mà họ đã quay chỉ có thể được xem trên màn hình của những chiếc iPhone 12 khác. Chưa hết, tính hữu dụng của những video HDR đó, xét về khía cạnh chia sẻ, cũng sẽ gặp nhiều rào cản.
Video Dolby Vision bị giới hạn chỉ xem được trên các màn hình Dolby Vision. Nếu bạn từng xem một video HDR trên màn hình SDR, bạn sẽ thấy màu sắc trở bị bệt và trở nên kỳ quặc như thế nào. Nếu Apple có thể tìm ra cách để chia sẻ các video Dolby Vision dưới định dạng SDR, họ sẽ có thể giúp định dạng mới này trở nên hấp dẫn hơn và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến vấn đề về không gian lưu trữ. Quay video 10-bit đồng nghĩa bạn sẽ thu rất nhiều dữ liệu hơn bình thường. Kể cả với những bộ codec video hiệu quả cao như HEVC (H.265), các video Dolby Vision vẫn sẽ chiếm một không gian lớn hơn đáng kể so với các video SDR. Bạn sẽ cần một gói lưu trữ iCloud lớn hơn, hoặc một chiếc iPhone dung lượng cao hơn.
Nhiều dữ liệu hơn đồng nghĩa chip A14 phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo việc ghi siêu dữ liệu trong thời gian thực. Quay video Dolby Vision sẽ đốt pin nhanh hơn quay video SD. Điều tương tự cũng diễn ra đối với khâu hậu kỳ, biên tập và xử lý tập tin.
Kể cả việc xem video Dolby Vision cũng sẽ tốn pin hơn, bởi màn hình phải hoạt động mạnh hơn để dựng các vùng highlight sáng hơn bình thường.

Liệu Dolby Vision có trở nên phổ biến?
Có một câu hỏi được đặt ra là liệu người dùng iPhone 12 sẽ đón nhận Dolby Vision rộng rãi đến đâu, ít nhất là trong thời gian đầu. Các TV Dolby Vision mới chỉ hiện diện từ vài năm trước. Nếu bạn chưa sở hữu một chiếc TV như vậy, liệu bạn có thực sự muốn quay bất kỳ thứ gì dưới định dạng này hay không?
Câu hỏi tương tự từng được đặt ra vài năm trước, khi Apple hỗ trợ quay 4K trên iPhone. Bao nhiêu người dùng iPhone đã tự mình thay đổi tuỳ chọn quay video độ phân giải cao trong Settings > Camera? Trên thực tế, Apple chưa bao giờ "buộc" người dùng chuyển quang 4K thông qua một bản cập nhật iOS nào cả.

Dù thành tựu công nghệ mà Apple đã đạt được là rất ấn tượng, nếu lùi lại một bước khỏi đám đông đang hào hứng với chiếc iPhone mới, bạn sẽ thấy quay video Dolby Vision thực sự là một tính năng có phần chuyên biệt, không mấy giá trị đối với những người dùng iPhone thông thường trong thời gian ngắn trước mắt. Với các nhà sáng tạo nội dung, các videographer, YouTuber, và những người thích "vọc" video, Dolby Vision biến iPhone 12 trở thành một sản phẩm đáng để bỏ tiền ra. Với mọi đối tượng khác, 5G và MagSafe có lẽ là những tính năng hấp dẫn hơn.
Nhưng video HDR sẽ trở nên phổ biến trong vài năm tới khi ngày càng nhiều màn hình và smartphone hỗ trợ nó, dù có công nghệ độc quyền của Dolby hay không. Qualcomm từng demo một video HDR10+ "chất lượng chuyên nghiệp" quay bởi một thiết bị sử dụng SoC Snapdragon 855 hồi đầu năm nay, và trên Snapdragon 865, họ đã hỗ trợ Dolby Vision. Samsung thì đã hỗ trợ HDR10+ trên một số mẫu Galaxy từ năm 2019.
Đưa Dolby Vision lên iPhone 12 là một chiến thắng dành cho video HDR nói chung, giúp thúc đẩy định dạng này trở nên phổ biến hơn. Đó còn là một chiến thắng dành cho Dolby, hãng dường như đang có một vị thế tốt hơn bao giờ hết để dành chiến thắng trong cuộc đua định dạng HDR đang nổi lên.

Theo vnreview