Thủ thuật xử lý máy in màu khi bị tắc mực

Thủ thuật xử lý máy in màu khi bị tắc mực

In ấn từ lâu đã là một trong những công việc khó có thể thiếu trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Đến thời điểm này cũng đã có không ít công nghệ in được sử dụng...

1.

Thủ thuật xử lý máy in màu khi bị tắc mực

Nếu có máy in màu mà ít khi in ấn thì chắc chắn chỉ 2-3 tháng là chiếc máy in thân yêu của bạn sẽ được làm bạn với nhện.

In ấn từ lâu đã là một trong những công việc khó có thể thiếu trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Đến thời điểm này cũng đã có không ít công nghệ in được sử dụng.

Loại máy in laser hiện nay vẫn là sự lựa chọn tối ưu cho người thường xuyên phải in văn bản đen trắng vì nó cho tốc độ in cao, ít gặp trục trặc với mực in và nhất là không quá tốn kém khi in nhiều.

Nhưng về khoản in màu thì lại khác, chủ yếu ở thị trường Việt Nam những nơi có dịch vụ in màu đều sử dụng máy in phun với mực lỏng để in. Tuy nhiên mực in phun lại là vấn đề quá đỗi khó khăn với rất nhiều người vì giá của một hộp mực chính hãng thường gần bằng với tiền mua một chiếc máy in mà mỗi hộp mực này chỉ có thể in được khoảng vài trăm trang A4 mà nhất là khi in ảnh tràn lề nghĩa là mực sẽ phủ kín mặt giấy thì lượng trang in được còn ít hơn. Vì lẽ đó mà người ta nghĩ tới việc sử dụng những loại mực chất lượng thấp hơn đôi chút nhưng cho ra hình ảnh vẫn ở mức chấp nhận được và điểm quan trọng là giá thành rẻ hơn nhiều so với mực chính hãng.

Loại mực này có ưu điểm là rẻ nên tất sẽ có nhược điểm đó là khi sử dụng loại mực này đầu phun sẽ rất dễ bị khô và vón cục gây tắc đầu phun. Để giải quyết vấn đề này, khuyến cáo của những người có kinh nghiệm sử dụng máy in lắp bộ tiếp mực ngoài như thế này là mỗi ngày in khoảng 1 trang để đầu phun không bị khô.

Bộ tiếp mực ngoài máy in phun được dùng phổ biến ở Việt Nam.

Nhưng những người làm được điều này quả thật là đếm trên đầu ngón tay, kết quả là không ít gia đình mua máy in màu nhưng chỉ sau 3 đến 4 tháng là có thể xếp vào góc nhà vì tắc đầu phun mà không biết phải xử lý thế nào.

Dưới đây là một cách khá đơn giản nếu như các bạn cảm thấy không còn hi vọng gì với chiếc máy in đang nằm trong xó nhà bạn thì có thể thử một lần biết đâu sẽ mang lại kỳ tích gì?

Đầu tiên các bạn cần tháo được đầu phun của máy in ra, việc này chỉ áp dụng được trên các loại máy in mà hộp mực không gắn liền với đầu phun còn loại đầu phun nằm ngay trên hộp mực máy in thì xem như vô vọng nếu bạn không muốn vác ra những nơi sửa chữa chuyên nghiệp.

Mở nắp máy in lên, hộp mực sẽ chạy ra vị trí giữa máy in để các bạn tháo hộp mực. Với những người sử dụng bộ tiếp mực ngoài cần chú ý là khi lắp bộ phận này vì có một đoạn ống dẫn mực thòng ra ngoài nên nắp máy không thể đóng khít để máy in hoạt động bình thường, vì thế người thợ phải gài 1 miếng xốp để ấn công tắc trên thân máy xuống đánh lừa máy là nắp đã được đóng. Nên khi mở nắp trên máy in các bạn phải rút miếng xốp này ra thì khay mực mới chạy ra giữa.

Khi tháo hết hộp mực sẽ lộ chân đầu phun.

Nhấc đầu kẹp ra để lấy đầu phun.

Đầu phun của máy in màu dạng in phun thực chất là một dải kim loại với hàng nghìn lỗ dẫn mực nhỏ li ti nằm trên đó. Khi nhận được lệnh in, những hạt mực đang nằm ở đầu lỗ mực sẽ bị nung nóng đột ngột và vỡ ra bắn mực lên giấy in. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục để tạo ra bức hình như yêu cầu.

Để khắc phục vấn đề tắc mực khi in, các bạn hãy tìm một đoạn ống mềm nhỏ đủ để chùm ra ngoài đầu phun phía trên.

Tìm một chiếc đĩa nhựa hoặc giấy có thể đựng nước được, rót vào đó khoảng 3-4 mm nước sạch để rửa đầu phun. Chú ý không sử dụng các loại đĩa cứng bằng sứ hay kim loại vì phần viền của đầu phun rất mỏng manh dễ vỡ nên cần tránh tiếp xúc với những loại vật liệu cứng.

Ngâm đầu phun của máy in vào nước khoảng vài tiếng và dùng ống mềm hút nước từ đĩa vào các đầu phun, tuy nhiên các bạn không cần phải hút bằng miệng mà chỉ cần bịt 2 đầu ống lại và bóp nhẹ vào giữa ống để hút lên rồi thổi nước ra liên tục.

Nếu có thời gian chúng ta nên ngâm đầu phun cả đêm để đảm bảo mực khô bị hòa tan. Mặt trên của đầu phun mặc dù là chống nước nhưng tốt nhất không nên là nó bị ướt quá nhiều.

Cuối cùng hãy dùng giấy mềm, sạch để thấm khô đầu phun. Chỉ lấy giấy mềm đặt lên bàn rồi đặt đầu phun úp trên giấy, không chùi đầu phun như lau đĩa vì nó rất dễ bám bụi giấy vào. Cứ đặt nó trên giấy khoảng 10 phút để nước từ từ chảy hết ra ngoài.

Vậy là xong, các bạn lắp đầu phun vào máy như cũ, đặt các hộp mực vào vị trí và tắt máy in đi để mực từ từ đổ xuống đầu phun. Sau đó các bạn bật máy và in một tấm ảnh nhiều mầu sắc một chút để mực đẩy phần nước còn thừa ở đầu phun ra ngoài.

Cách trên không phải lúc nào cũng có tác dụng chính vì thế tôi khuyên các bạn chỉ nên thực hiện nếu xác định chiếc máy của mình đã vô phương cứu chữa. Mọi vấn đề với máy in của các bạn chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm. Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Genk