Mâm cơm hóa vàng ngày Tết không thể thiếu mâm cúng mặn bày lên bàn thờ tổ tiên để cúng ông bà, tổ tiên. Thông thường các món ăn sẽ không cố định. Bạn có thể chọn những món mà ông bà ngày trước thích ăn để bày lên. Tùy vào từng điều kiện của gia đình mà số lượng món ăn cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, sau đây là đầy đủ các món ăn cần có:
+ Bánh chưng: trong mâm cơm hóa vàng ngày Tết của người miền Bắc thì bánh chưng là món bắt buộc phải có. Người miền Nam sẽ thay bánh chưng thành bánh tét.
Bánh chưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người dân Việt từ xa xưa với câu chuyện “bánh chưng bánh giầy” thời vua Hùng. Bánh chưng với các nguyên liệu đặc trưng của người Việt và thể hiện được tấm lòng hiếu thảo con cháu tới ông bà.
+ Gà luộc: theo quan niệm dân gian của người Việt Nam thì gà tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Hơn nữa gà còn tượng trưng cho 5 đức tính tốt đẹp của người Việt như: văn – võ - dũng cảm - nhân hậu - trung tín.
+ Giò lụa: Đây là món ăn được nhiều gia đình ưa chuộng vào mỗi dịp Tết và cả ngày thường. Hương vị thơm ngon, có thể dùng được cả khi nóng lẫn khi lạnh khiến giò lụa rất được yêu thích.
+ Dưa hành, củ kiệu: Bánh chưng xanh phải ăn kèm với dưa hành là thói quen ăn uống từ xa xưa của người Việt. Bạn nên ngâm dưa hành càng lâu càng tốt để chúng có được mùi vị thơm ngon nhất.