Đau mắt đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị hiệu quả

Đau mắt đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị hiệu quả

Biên tập bởi: Nguyễn Đình Huy - Cập nhật ngày 20/09/2023 15:54

Đau mắt đỏ là bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người và dễ lây cho người khác. Bệnh lý này không quá nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng đau mắt đỏ và cách điều trị, chữa trị dưới bài viết này nhé!

1.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ thực chất là tên gọi dân gian của bệnh viêm kết mạc. Đó là khi lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (hay lòng trắng) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ hay còn được gọi là bệnh viêm kết mạc

Dịch đau mắt đỏ thường bắt đầu vào tháng 9, kéo dài một tuần rồi hết. Tuy nhiên vẫn có những năm bất thường kéo dài hơn một tuần.

Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh này.

2.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau mắt đỏ, trong đó một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm như:

Do virus: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh, với những triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt, có ghèn dây, mi sưng, cộm, giảm thị lực. Đối với bệnh viêm kết mạc do virus gây ra có thể dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của người bệnh.

Do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus,... Một vài triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc. Một người có thể bị lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Trẻ sơ sinh có thể bị đau mắt đỏ do vi khuẩn Chlamydia

Do dị ứng: thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hóa, bụi,.... Các triệu chứng của bệnh thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan.

3.

Triệu chứng đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể được cấu thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi một tác nhân gây bệnh lại có những triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh này khi khởi phát là mắt đỏ và nhiều ghèn. Cụ thể:

Triệu chứng đau mắt đỏ
  • Đỏ mắt: Triệu chứng này xuất hiện do cương tụ mạch máu ở lớp nông kết mạc. Mắt nổi gân đỏ nhiều nhất ở kết mạc mi và giảm dần đến kết mạc của nhãn cầu và thường được gọi là cương tụ ngoại vi.
  • Ghèn mắt: Hay còn được gọi là gỉ mắt, được kết thành bởi chất nhầy và xác của vi khuẩn cùng với các tế bào biểu mô bị bong rụng và kết đọng lại. Ghèn mắt lúc này sẽ đóng lại thành từng cục, từng đám, đặc quánh và dính chặt vào chân lông mi của người bệnh hoặc đọng lại nơi khóe mắt.
  • Ngứa, nhức mắt: Bệnh nhân lúc này sẽ cảm thấy trong mắt như có dị vật, cộm, nóng và rát.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Gặp ánh sáng bệnh nhân có thể thấy chói, khó nhìn, sợ ánh sáng.
  • Chảy nước mắt: Người bệnh có thể chảy nước mắt không kiểm soát.
4.

Đau mắt đỏ có thể bị lây như nào?

Người bệnh đau mắt đỏ thường nên tự cách ly y tế tại nhà vì khả năng lây lan cho người khác khi tiếp xúc rất cao. Vậy đau mắt đỏ lây qua đường nào? Bệnh có thể bị lây nhiễm khi chúng ta:

Đau mắt đỏ có thể bị lây như nào?
  • Vô tình tiếp xúc với dịch người bệnh tiết ra khi họ giao tiếp với chúng ta hoặc khi họ ho, hắt hơi.
  • Khi ta chạm tay vào những đồ dùng các nhân có dính dịch tiết của người bệnh như: Bàn chải đánh răng, khăn mặt, gối nằm, chìa khóa, tay nắm cửa, điện thoại...
  • Thói quen mà nhiều người mắc phải là dụi tay, đưa tay lên mắt có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Khi dùng kính áp tròng sai cách có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh.
  • Khi bạn dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm bệnh như: Bể bơi, ao hồ... mà trước đó có những người bị bệnh xuống tắm.

Đặc biệt, tốc độ lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng cực kỳ nhanh, vì vậy những địa điểm công cộng hay những nơi có mật độ dân cư cao thường tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch.

5.

Cách chữa trị đau mắt đỏ tại nhà

Đa phần bệnh lý đau mắt đỏ thường là lành tính, bệnh nhân có thể tự theo dõi tình trạng tại nhà. Nếu nguyên nhân gây bệnh do virus thông thường thì bệnh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu tình trạng khó chịu ở mắt kéo dài, không thuyên giảm, thậm chí gia tăng cấp độ nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho mắt.

Khắc phục tại nhà

Khi phát hiện các dấu hiệu của đau mắt đỏ bạn nên tự cách ly ở một phòng riêng, ăn uống, sinh hoạt tách biệt với người thân. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế để mắt phải điều tiết nhiều khiến bệnh lý gia tăng cấp độ nặng. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau để giúp thuyên giảm tình trạng khó chịu ở mắt như:

  • Rửa sạch mặt và tay: Dùng nước sạch để vệ sinh mặt và mắt thường xuyên sẽ giúp bạn dịu bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Rửa tay sạch sẽ thường xuyên để phòng tránh nguy cơ không may đưa tay bẩn lên mắt khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
  • Chườm lạnh: Dùng một chiếc khăn sạch bọc vài cục đá hoặc nhúng qua nước lạnh sau đó đắp lên mặt sẽ giúp bạn giảm sưng, ngứa ngáy ở mắt.
  • Dùng đồ riêng: Không dùng chung, bát, cốc uống nước, khăn mặt... với người khác để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
  • Không đi bơi: Nên tránh để nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh rơi vào mắt trong khoảng thời gian này, đặc biệt không đưa tay dụi mắt.
  • Kiêng quan hệ: Đau mắt đỏ kiêng quan hệ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người bạn đời.
Cách trị bệnh đau mắt đỏ tại nhà

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể chườm lạnh giúp giảm triệu chứng khó chịu

6.

Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả khi bạn ghi nhớ một số biện pháp sau đây:

  • Giữ gìn thói quen vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%.
  • Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt với người khác.
  • Đeo kính và khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Nhiều người vẫn băn khoăn không biết bị đau mắt đỏ đeo kính gì? Các chuyên gia nhãn khoa thường khuyên người bệnh nên đeo kính râm để bảo vệ mắt và giữ thẩm mỹ.
  • Cẩn thận khi tắm gội, tránh để các hóa chất như dầu gội, sữa tắm dính vào mắt.
  • Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mắt như vitamin cùng khoáng chất có nhiều trong các loại rau, quả.
  • Đi bơi nên chọn những nơi đảm bảo vệ sinh, an toàn, đeo kính chắn nước. Sau khi bơi cần vệ sinh mắt sạch sẽ.
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hàng ngày để đẩy lùi tác nhân gây bệnh.
  • Duy trì thói quen khám mắt định kỳ hàng năm là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt bạn cũng như tầm soát sớm các bệnh về mắt để có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp, hạn chế biến chứng nguy hiểm gây tổn hại thị lực.Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ với nước muối sinh lý hằng ngày để phòng tránh đau mắt đỏ

Trên đây là nguyên nhân, triệu chứng bệnh đau mắt đỏ và cách phòng ngừa mà MediaMart tổng hợp lại được. Nếu thấy thông tin này hữu ích thì hãy chia sẻ đến nhiều người cùng biết nhé!

Tổng hợp