Dung dịch dùng để súc họng hàng ngày dùng cho người bình thường và không tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 là nước muối sinh lý, có thể dùng được cho trẻ em, thậm chí là trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy nước muối sinh lý hầu như không làm thay đổi hệ vi sinh thường trú trong họng.
Trong khi đó, các dung dịch có chứa chất khử khuẩn làm thay đổi số lượng các loại vi sinh thường trú ở vùng họng. Chưa kể, khi sử dụng lâu dài nước súc miệng có tinh dầu, chất khử khuẩn có thể kích thích họng gây bệnh "viêm họng mạn do nước súc miệng".
Có thể sử dụng là chai nước muối sinh lý y tế pha sẵn (tiện dụng nhưng tốn tiền) hoặc nước muối sinh lý tự pha tại nhà với công thức một muỗng cà phê muối đầy trong một lít nước sôi để nguội. Dung dịch muối loãng tự pha này chỉ nên sử dụng trong ngày, để tránh nhiễm khuẩn do để qua đêm.
Đối với bệnh nhân Covid-19 và người tiếp xúc gần, các bác sĩ sẽ chỉ định súc họng dung dịch có các chất khử khuẩn như povidone iodine, chlorhexidine.
Trước khi súc họng cần súc miệng bằng cách cho nước vào miệng súc rồi nhổ bỏ, không cần ngửa cổ, tư thế đầu thẳng.

Mọi người nên chủ động súc họng mỗi ngày để phòng Covid-19
Sau đó, súc họng bằng cách cho ra ly (cốc) một lượng nước vừa đủ khoảng 5-10 ml rồi đưa vào miệng. Để súc họng có hiệu quả, ngoài tư thế ngửa cổ, cần lưu ý thè lưỡi ra trước khi kêu "khò... khò... khò...". Đây là động tác quan trọng, giúp nước len qua khe hở xuống được họng miệng. Khi không thè lưỡi ra trước, dù có ngửa cổ tối đa cũng chỉ là súc miệng chứ chưa súc họng. Sau khi súc họng xong, cần nhổ bỏ nước.
Nên súc họng ít nhất 5 lần vào sáng, tối, sau ba bữa ăn. Đây là các thời điểm họng đọng dịch nhầy từ mũi, họng mũi hoặc chất kích thích trong thức ăn. Nên súc họng ngay khi đi ra ngoài về nhà, sau khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với người ngoài, ngay sau khi bơi lội…
Theo VnExpress