Mâm cỗ Trung thu có những gì? Nét độc đáo trong mâm cỗ trung thu ba miền

Mâm cỗ Trung thu có những gì? Nét độc đáo trong mâm cỗ trung thu ba miền

Tết Trung thu là một trong những lễ hội lớn đặc trưng mang đậm nét truyền thống của văn hóa Việt Nam. Theo truyền thống vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ Trung thu được bày biện tỉ mỉ để mọi người cùng quây quần đón trăng. Và mỗi một vùng miền sẽ có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Hãy cùng Mediamart khám phá những đặc trưng trong mâm cỗ Trung thu ở ba miền nhé qua bài viết dưới đây ! 

1.

Mâm cỗ Trung thu có những gì?

Trung thu hay Tết thiếu nhi, Tết Đoàn viên là một trong những lễ hội lớn trong năm trong văn hóa Việt Nam. Và trong ngày Tết Trung thu không thể được mâm cỗ Trung thu truyền thống. Dù ở mỗi vùng miền sẽ có cách bày biện mâm cỗ khác nhau, nhưng về cơ bản sẽ không thể thiếu được: hoa tươi, quả và bánh Trung thu để dâng cúng tổ tiên và mâm cỗ ngọt ngoài trời để cả gia đình phá cỗ, trông trăng. 

  • Bánh Trung thu

Trong mâm cỗ ngày rằm tháng 8 không thể thiếu được bánh dẻo và bánh nướng. Bánh Trung Thu mang ý nghĩa như một lời chúc cuộc sống luôn tròn đầy, viên mãn. Hai loại bánh này cũng tượng trưng cho lời cảm tạ đất trời đã cho một năm an bình, mùa màng bội thu.

  • Bánh dẻo có lớp vỏ bánh trắng trong tựa như vầng trăng ngà mang lại ý nghĩa đoàn viên.

  • Bánh nướng tượng trưng cho tình thân vượt qua mọi gian nan thử thách vẫn chở che, đùm bọc nhau.


    Trước đây, bánh Trung thu thường chỉ có nhân thập cẩm hoặc đậu xanh. Từ những chiếc bánh hình vuông đơn giản cho đến những chiếc bánh hình con cá hay con lợn dành cho trẻ nhỏ. Nhưng ngày nay, những chiếc bánh dẻo bánh nướng đã được biến tấu khá đa dạng với nhiều loại nhân và được trang trí cầu kỳ bắt mắt hơn. 

    • Các loại đèn truyền thống

    Trong mâm cỗ Trung thu không thể thiếu được những chiếc đèn truyền thống: đèn ông sao, lồng đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn con thỏ hay những chiếc đèn cù… để bày biện cùng mâm cỗ. Sau khi cả gia đình phá cỗ trông trăng, những chiếc này sẽ được phát cho các bé để đi rước đèn. 


    Nếu như đèn ông sao tượng trưng cho Ngũ hành và mặt trăng trong hội trăng rằm, thể hiện mong ước cầu bình an và may mắn. Đèn cá chép lại thể hiện niềm hy vọng và sự kiên trì trước mọi khó khăn thử thách. Đèn kéo quân lại thể hiện cho sự hiếu thảo, tình yêu thương. 

    • Mâm ngũ quả 

    Trong mâm ngũ quả truyền thống thường có đủ loại trái cây nhưng trong đó không thể thiếu được các loại quả: 

    • quả hồng: tượng trưng cho sức sống và niềm tin hy vọng

    • Quả bưởi thể hiện mong cầu sự bình an, may mắn cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, bưởi cũng thể hiện cho sự đong đầy, sung túc

    • Quả lựu: thể hiện sự sinh sôi, con cháu đề huề, gia đình yên vui 

    • Quả na: tượng trưng cho ước nguyện về sự trường thọ 

    Ngoài ra, trong mâm cỗ trung thu còn có thêm chuối, thanh long hoặc các loại quả khác để mâm cỗ Trung thu được đầy đặn, đa dạng và đẹp mắt. 

    2.

    Ý nghĩa của mâm cỗ Trung thu

    Theo quan niệm truyền thống, mâm cỗ ngày rằm tháng 8 là để cầu cho mưa thuận gió hòa và mùa vụ bội thu, làm ăn thuận lợi. Chính vì thế, trong ngày tết Trung thu mâm cỗ thường được bày trí đẹp mắt, đầy đủ các loại quả xanh đỏ để thể hiện sự cân bằng âm dương. Trước để dâng cúng tổ tiên, cảm tạ trời đất sau là để cả gia đình phá cỗ ngắm trăng và mong cầu những điều tốt lành.



    3.

    Những đặc trưng trong cách bày mâm cỗ Trung thu ở ba miền

    Ở mỗi vùng miền lại có cách bày biện mâm cỗ Trung thu khác nhau, hãy cùng Mediamart tìm hiểu những đặc trưng trong mâm cỗ trung thu cả ba miền: 

    • Mâm cỗ Trung thu miền Bắc 

    Tháng 8 cũng là thời điểm miền Bắc bước vào mùa thu, tiết trời mát mẻ và người dân miền Bắc cũng bắt đầu chuẩn bị cho Tết trung thu từ đầu tháng 8. Mâm cỗ Trung thu ở Miền Bắc cũng được bày biện cầu kỳ, tinh tế với những loại quả, quà bánh mang đặc trưng của mùa Thu miền Bắc: cốm xanh, hồng chín, trà ướp sen hay hoa nhài  …. Ngoài ra, tết Trung thu ở miền Bắc cũng là ngày tết dành cho thiếu nhi chính vì thế mà mâm cỗ ngày rằm cũng được trang trí bắt mắt hơn hơn với chó bông được làm từ bưởi, ông tiến sĩ giấy, các loại lồng đèn, bánh nướng bánh dẻo hình con cá hay đàn lợn. 


    • Mâm cỗ Trung thu miền Trung 

    Không cầu kỳ như miền Bắc, người dân các tỉnh miền Trung thường có gì cúng nấy thường chỉ là để tỏ lòng thành kính, thành tâm dâng cúng tổ tiên. Trong mâm cỗ cũng đủ đầy các loại bánh nướng, đèn truyền thống, hoa quả và chủ yếu là các hoạt động diễn xướng, trò chơi độc đáo: thả đèn hoa đăng, lễ hội đèn lồng ….


    • Mâm cỗ Trung thu miền Nam 

    Khác với miền bắc và miền Trung, người dân miền Nam thường coi ngày Tết trung thu là tết đoàn viên. Trong mâm cỗ của bà con miền Nam cũng có bánh dẻo, bánh nướng và mâm ngũ quả. Tuy nhiên, mâm ngũ quả của bà con Miền Nam có sự khác biệt hơn với các loại quả: mãng cầu, đu đủ, xoài, dừa và sung để thể hiện sự mong cầu “ cầu đủ vừa xài sung sướng”. Bên cạnh đó, trong mâm cỗ trung thu miền nam còn có thêm 3 quả dứa được bày làm chân đế của mâm quả. Quả dứa là tượng trưng cho  sự vững vàng, mong gia đình đông con nhiều cháu. 

    Miền Nam cũng là nơi có nhiều cộng đồng người Hoa sinh sống, do vậy mà Tết trung thu ở miền Nam cũng rất đặc sắc với nhiều hoạt động múa lân sư rồng, trình diễn hoa đăng …


    Bài viết trên đây của Mediamart đã phần nào giới thiệu những đặc trưng trong mâm cỗ tết trung thu ở ba miền Bắc - Trung - Nam cũng như những ý nghĩa về mâm cỗ này trong văn hóa truyền thống. Cảm ơn bạn đã theo dõi đến cuối bài viết này!