Tháng 9 có ngày lễ gì? Tổng hợp các ngày lễ, sự kiện trong tháng 9
Biên tập bởi: Nguyễn Nhật Linh - Cập nhật ngày 22/08/2024 14:01
Trong tháng 9 có ngày lễ gì đặc biệt để mọi người sắp xếp kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi, tổ chức sự kiện không? Câu trả lời là có. Cùng theo dõi bài viết tổng hợp các ngày lễ, sự kiện trong tháng 9 dưới đây của MediaMart nhé.
1.
Ngày Quốc khánh nước Việt Nam (2/9)
Ngày Quốc khánh Việt Nam là một dịp lễ vô cùng quan trọng đối với nhân dân ta, diễn ra vào ngày 2/9 hằng năm. Đây là ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 2/9/1945.
Theo Luật Lao động 2019, người lao động sẽ có chính thức 2 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh gồm ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau. Năm 2024, ngày 2/9 rơi vào thứ 2. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo, dịp Lễ Quốc khánh năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9.
2.
Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9)
Đài Tiếng nói Việt Nam được ra đời vào ngày 7/9/1945 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn kháng chiến, Đài Phát thanh gần như là cơ quan báo chí duy nhất có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, khơi dậy lòng yêu nước, tạo nên sức mạnh vô song chiến thắng kẻ thù.
Đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh; giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin yêu của nhân dân trong và ngoài nước.
3.
Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (8/9)
Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (World Literacy Day) được UNESCO thành lập vào ngày 8/9/1966. Ngày này được kỷ niệm hằng năm nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội.
Việc xóa nạn mù chữ còn là mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và bảo đảm sự phát triển bền vững, hòa bình, dân chủ.
4.
Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9)
Sau năm 1954, nước ta bị chia cắt thành 2 miền Nam Bắc với hai chính quyền khác nhau. Vì thế, từ ngày 5/9 đến 10/9/1955, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc họp quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích “"đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
5.
Ngày Quốc tế Dân chủ (15/9)
Ngày Quốc tế Dân chủ có tên tiếng Anh là International Day of Democracy. Liên Hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia lấy ngày 15/9 hằng năm là ngày Dân chủ Quốc tế trong một Nghị quyết về ủng hộ việc thúc đẩy các nền dân chủ.
Ngày này là dịp để mọi người cùng quan tâm, chú ý đến dân chủ và thúc đẩy dân chủ. Các cá nhân tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khu vực và quốc tế được kêu gọi tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về chủ đề này.
6.
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9)
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (International Day for the Preservation of the Ozone Layer) được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm do Liên hợp quốc thành lập.
Vào dịp này, tất cả các nước tham gia Nghị định thư Montreal đều sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên đã có nhiều hoạt động hưởng ứng tích cực, hiệu quả.
Đây là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ozone, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.
7.
Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9)
Ngày Quốc tế Hòa bình (International Day of Peace) được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 và được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9/1982. Cho đến năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hằng năm kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa Bình.
Liên hợp quốc mong muốn thông qua ngày này kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí và cũng là để khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động để thực hiện mục tiêu hòa bình thế giới.
Việt Nam là thành viên của LHQ vào ngày 20/9/1977 đã có nhiều tham gia, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
8.
Ngày Du lịch Thế giới (27/9)
Ngày Du lịch Thế giới (World Tourism Day) được cử hành vào ngày 27 tháng 9 hằng năm do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc đặt ra nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, ngày này còn là để chứng minh tầm quan trọng của du lịch đối với các giá trị văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế trên khắp thế giới.
9.
Tết Trung thu (17/9/2024 dương lịch)
Tết Trung thu là ngày Tết truyền thống và đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, sum vầy, cùng nhau ngắm trăng, trò chuyện, thưởng trà,... Vào ngày này, các em thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước sẽ được tham gia nhiều hoạt động như rước đèn, xem múa lân, phá cỗ,…
Tết Trung thu được tổ chức hằng năm vào ngày 15/08 (Rằm tháng 8) âm lịch. Trung thu 2024 rơi vào thứ Ba, ngày 17/9/2024 dương lịch.
10.
Một Số Ngày Lễ, Kỷ Niệm Và Sự Kiện Trong Tháng 9 Nổi Bật Khác
- 5/9: Ngày Quốc tế Từ thiện
- 10/9: Ngày Thế giới PhòngTự sát,
- 20/9: Ngày kỉ niệm Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc
- 23/9: Ngày Nam Bộ kháng chiến
Trên đây là bài viết tháng 9 có ngày lễ gì, các ngày lễ, sự kiện trong tháng 9 mà MediaMart tổng hợp lại được. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn lên kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý vào ngày nghỉ lễ dài.