Dùng bình nước nóng sai cách: Tự rước họa vào thân

Biên tập bởi: Nguyễn Mạnh Hải - Cập nhật ngày 23/10/2021 16:39

Sử dụng bình nước nóng đã trở thành nhu cầu thiết yếu quanh năm. Đây là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe của gia đình. Tuy nhiên, ít ai biết, có rất nhiều nguy cơ tiềm tàng nếu sử dụng bình nước nóng  sai cách.

1.

Dùng bình nước nóng sai cách: Tự rước họa vào thân

Sử dụng bình nóng lạnh đã trở thành nhu cầu thiết yếu quanh năm. Đây là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe của gia đình. Tuy nhiên, ít ai biết, có rất nhiều nguy cơ tiềm tàng nếu sử dụng bình nóng lạnh sai cách.

Trước đây, thị trường bình nóng lạnh chỉ trở nên nhộn nhịp vào mùa đông .Tuy nhiên, những năm gần đây, người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến việc đảm bảo an toàn sức khỏe, vì thế,  sử dụng bình nóng lạnh quanh năm trở thành nhu cầu thiết yếu của các hộ gia đình. Thế nhưng, cùng với đó, tỉ lệ người nhập viện do cháy, nổ, điện giật khi sử dụng bình nước nóng cũng tăng lên đáng kể. Các chuyên gia cảnh báo chính thái độ thờ ơ, thiếu hiểu biết… về bình nóng lạnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tự “rước họa vào thân”.
Thực tế cho thấy, người dùng không ít lần rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm khi bình nóng lạnh cháy, nổ, rò rỉ điện. Hầu hết các bình nóng này đều là bình cũ, không được bảo dưỡng. Chỉ đến khi sự cố xảy ra, người dân mới ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng bình nóng lạnh đúng cách. Vậy, những thói quen nào là sai cách, gây nguy hiểm cho người sử dụng?

Luôn bảo dưỡng bình nước nóng để giữ tuổi thọ bình và an toàn trong quá trình sử dụng.

Không lắp dây nối đất cho bình
Thông thường trong thiết kế của vỏ bình nước nóng đều có một đầu dây để chờ tiếp đất (dây mát). Nhiệm vụ của dây này để triệt tiêu dòng điện khi có hiện tượng rò điện. Bình bị rò điện thì khi người dùng tắm sẽ bị điện giật, rất nguy hiểm.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn không nên bỏ qua bất kỳ chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Nếu hệ thống không có sẵn dây, cọc tiếp đất thì bạn nên trang bị một cầu dao chống rò điện.

Không tắt bình trước khi sử dụng
Đa số bình nước nóng được trang bị rơ le ngắt điện, bộ chống giật nên người sử dụng thường chủ quan không ngắt điện bình nước nóng lúc tắm. Nhưng, điều này là nguy hiểm, vì vẫn có thể có nguy cơ rò điện vào nước trong bình.
Cơ chế làm nóng nước của bình nóng lạnh là dùng điện đun nóng nước thông qua thanh điện trở. Do đó người dùng có thể bị điện giật do tiếp xúc trực tiếp với nước. Theo lý thuyết, nước tinh khiết không dẫn điện, nhưng trong nước sinh hoạt có nhiều tạp chất pha lẫn, thường là các muối, tạo ra các ion tự do trong dung dịch nước, có thể dẫn điện.
Do đó, bạn hãy tắt nguồn điện vào bình để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trước khi tắm.

Hãy đảm bảo bình nước nóng của bạn được lắp đặt đúng cách.

Luôn bật bình 24/24h
Việc này ngoài việc làm tốn tiền điện mà còn giảm tuổi thọ của bình. Bạn chỉ nên bật bình trước khi dùng 10-20 phút tùy thuộc vào dung tích của bình nước nóng.
Tương tự như rơ le nhiệt độ ở nồi cơm điện, bàn là hay tủ lạnh, rơ le nhiệt độ ở bình nóng lạnh cũng có tác dụng tự ngắt khi nhiệt độ đủ cao và tự bật nếu nhiệt độ quá thấp. Do đó, việc cắm điện liên tục làm dây dẫn, dây mayso… hoạt động quá tải dẫn tới có thể bị hỏng do gây ra rò điện. Nên tắt bình nước nóng khi không sử dụng.

Không bảo hành hoặc kiểm tra thiết bị định kỳ
Bình nước nóng sẽ không thể hoạt động hiệu quả như lúc mới sau một thời gian hoạt động. Việc rò điện có thể rò vào nước có thể xảy ra mà bạn không thể biết trước. Bên cạnh đó, bình có thể trục trặc hoặc hỏng bất ngờ vì vậy bạn nên kiểm tra bình nước nóng thường xuyên bằng cách dùng bút thử điện.
Sau một thời gian không sử dụng bình nước nóng thì bạn nên kiểm tra đường nước, đường dây điện, vòi sen cẩn thận trước khi dùng.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường như tiếng động bất thường, đèn báo không sáng…, bạn cần dừng ngay sử dụng và gọi thợ kiểm tra. Tuyệt đối tránh tự sửa chữa, dẫn tới trường hợp không an toàn cho gia đình.

Không chú ý nguồn nước sử dụng
Nguồn nước nhà bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thanh magie - vốn có tác dụng ngăn axit ăn mòn thành bình, chống cặn oxi hóa. Nếu nguồn nước cung cấp có nhiều cặn bẩn hoặc chất sắt, bạn nên thay và bảo dưỡng thanh magie thường xuyên.
Để tránh hiện tượng tắc, gây gỉ sét vỏ bình và rò điện, nếu nước nhà bạn nhiễm sắt, phèn, thường vẩn đục thì mở bình ra kiểm tra, thau hút cặn, súc rửa bình và bộ lọc, kiểm tra độ khít của các van sau một tháng bắt đầu sử dụng bình. Nếu nước bình thường thì nên kiểm tra sau 2-3 tháng. Sau đó, khoảng cách thời gian kiểm tra bình có thể kéo dài hơn.
Ngoài ra, trước khi bật bình, bạn cũng cần kiểm tra kỹ xem bồn nhà mình còn nước không. Bật bình mà không có nước để đun nóng sẽ rất tốn điện và gây hại cho bình.

Theo baoxaydung.com.vn