Không phải thực phẩm dư thừa nào sau mỗi bữa ăn cũng có thể lưu trữ trong tủ lạnh.
Thức ăn dư thừa rất dễ bị thiu, chua và hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách, ngay cả khi lưu trữ chúng trong tủ lạnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm dư thừa sau mỗi bữa ăn dù đã được bảo quản kỹ càng trong tủ lạnh vẫn có thể bị hư hỏng. Một trong những nguyên nhân thường gặp là người tiêu dùng không để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ. Theo tờ CNN, việc cất trữ, che đậy thức ăn còn nóng và bảo quản trong tủ lạnh sẽ gây ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Chia sẻ cùng PLO, BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam, cho hay thức ăn còn dư sau mỗi bữa ăn cần được lưu trữ trong tủ lạnh đúng cách. Người tiêu dùng không nên để chung các loại thực phẩm với nhau, đồng thời nên chứa đựng chúng trong các hộp đựng chuyên dụng có nắp kín hoặc sử dụng bọc thực phẩm để bảo quản thực ăn.
Theo BS Diệp, với trường hợp không có tủ lạnh, chúng ta cần đun sôi trở lại, tức giữ cho thức ăn sôi ít nhất trên 60 độ C và để được tối đa là qua đêm ở môi trường nhiệt độ bình thường (dưới 25 độ C). Còn trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao vi sinh vật sẽ phát triển nhanh.
“Khi thức ăn đã để qua đêm và đun sôi lại, nếu quá bốn tiếng đồng hồ mà chưa ăn thì khả năng sinh sôi nảy nở của các loại vi trùng tăng lên rất là nhiều, có nguy cơ gây ra các tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy không nên để thức ăn qua đêm mà không được bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Song trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao hơn thì ta có thể nấu mặn hoặc muối chua nhưng khi sáng hôm sau phải đun sôi trước khi sử dụng và dùng trong vòng 24 giờ” - BS Diệp khuyến cáo
Cũng trong vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết thêm không phải thức ăn thừa nào cũng có thể lưu trữ trong tủ lạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh, không phải thực phẩm dư thừa nào cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh: Internet
"Một số đồ ăn thừa như rau chín, trứng rán thịt, trứng đúc thịt, canh cua… không nên lưu lại trong tủ lạnh qua đêm vì sẽ sinh ra chất độc gây hại cho cơ thể. Các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, cá nếu để lâu trong tủ lạnh rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập" - ông Thịnh cho hay.
Ngoài ra theo vị chuyên gia này, thức ăn thừa khi đưa vào tủ lạnh chỉ có thể giúp ức chế hoặc hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Vì thế, thức ăn thừa còn sót lại ở bữa ăn trước, khi lấy từ tủ lạnh ra cần được đun nóng và ăn hết trong bữa ăn ngay sau đó. Ông khuyến cáo: “Nếu tiếp tục ăn không hết hoặc chưa ăn đến thì nên vứt chúng đi chứ đừng tiếc để đến vài ngày”.
Để tránh lãnh phí, PGS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng chỉ nên ước lượng thức ăn và nấu vừa đủ. “Đối với thức ăn khi nấu xong, chúng ta nên múc ra đĩa, tô… không nên gắp thức ăn ngay trong nồi, để tránh tình trạng "chọc ngoáy" đũa, thìa đã qua sử dụng vào đồ ăn. Điều này hạn chế quá trình lây nhiễm vi khuẩn lây qua đường ăn uống xâm nhập vào thức ăn còn thừa lại. Với cách này đến cuối bữa ăn, phần thức ăn thừa chưa bị tác động bởi thìa, đũa "bẩn" vẫn an toàn trước khi đưa chúng vào tủ lạnh" - vị chuyên gia thông tin.
Như vậy, bảo quản thức ăn thừa đúng cách, người tiêu dùng không chỉ hạn chế được quá trình thất thoát dinh dưỡng mà còn tránh được các nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo internet