Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh

Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh

Biên tập bởi: Nguyễn Thị Lợi - Cập nhật ngày 12/03/2024 08:35

Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng của người Việt để tưởng nhớ tổ tiên. Vào ngày này, những người con xa quê đều cố gắng sắp xếp về tảo mộ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, sự hiếu thuận của mình. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh là gì? Bài viết dưới đây sẽ đi giải đáp chi tiết cho bạn.

1.

Tết Thanh minh là gì? Nguồn gốc Tết Thanh minh

Tết thanh minh hay còn có tên gọi khác là Tiết thanh minh, là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng: "Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...". Câu này khiến mọi người nghĩ rằng Tết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương.

Tết Thanh minh không có ngày cố định, thời gian thường bắt đầu từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. 

Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào thứ Năm ngày 4/4/2024 dương lịch (tức ngày 26/2/2024 âm lịch).

Tết Thanh minh là gì? Nguồn gốc Tết Thanh minh
 

Vào ngày Thanh minh, các gia đình sẽ đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.

2.

Ý nghĩa Tết Thanh minh

Tết Thanh minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của người Việt. ngày Tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, để sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.

Ý nghĩa Tết Thanh minh
 

Trong dịp Thanh minh, các gia đình thu xếp thời gian ra nghĩa trang, mang theo dụng cụ để chăm sóc mộ phần. Với những ngôi mộ còn chưa xây, mọi người dùng xẻng, cuốc để đắp lại cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, tránh để trâu bò đến quấy hoặc ngăn rắn, chuột đào hang làm tổ, mà theo quấy rối sự yên nghỉ của người đã khuất. Những ngôi mộ đã xây thì được quét tước, dọn dẹp. Sau đó, những người tảo mộ bày hương hoa lễ vật, thắp hương làm lễ, sau đó đốt vàng mã.

Không khí các nghĩa trang trong dịp Thanh minh thường nhộn nhịp vì cả trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết phần mộ tổ tiên, học hỏi về lòng kính ngưỡng gia tiên và cách thực hành các nghi lễ truyền thống. Những người sống xa quê cũng thường thu xếp về tảo mộ, không nhất thiết phải về đúng ngày Tết Thanh minh mà có thể chọn bất kỳ ngày nào thuận tiện, rảnh rỗi trong dịp này.

Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh minh qua giúp sửa sang, quét tước cho những nấm mồ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.

Trên đây là nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh mà MediaMart tổng hợp lại được. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về ngày lễ đặc biệt này. 

Tổng hợp