Trải nghiệm TV Sony Bravia 65X9300E: Kiểu dáng lịch lãm, hình ảnh đẹp, có vẻ bền, giá 80 triệu

Trải nghiệm TV Sony Bravia 65X9300E: Kiểu dáng lịch lãm, hình ảnh đẹp, có vẻ bền, giá 80 triệu

Sony Bravia X9300E là chiếc TV mà mình tin rằng nếu đã từng một lần sử dụng "TV Nhật" cao cấp thì bạn sẽ rất quen thuộc. Nó giống như bước ra từ ký ức của bạn, một chiếc TV "cổ điển" với thiết kế cứng cáp lịch lãm và chất lượng hình ảnh ấn tượng.

1.

Trải nghiệm TV Sony Bravia 65X9300E: Kiểu dáng lịch lãm, hình ảnh đẹp, có vẻ bền, giá 80 triệu

Sony Bravia X9300E là chiếc TV mà mình tin rằng nếu đã từng một lần sử dụng "TV Nhật" cao cấp thì bạn sẽ rất quen thuộc. Nó giống như bước ra từ ký ức của bạn, một chiếc TV "cổ điển" với thiết kế cứng cáp lịch lãm và chất lượng hình ảnh ấn tượng. Mà phàm là thứ gì đã gọi là "cổ điển" thì giá trị của nó vẫn sẽ tồn tại mãi theo thời gian chứ không như những trào lưu xuất hiện bất ngờ và biến mất đột ngột, điều có lẽ chúng ta quá quen thuộc trong bối cảnh hiện nay.  

Sony X9300E là một chiếc TV Nhật đúng nghĩa
Thật ra ngày nay thì cụm từ "TV Nhật" đối với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, không còn trọng lượng như ngày xưa nữa. Cách đây khoảng chục năm, khi nhắc đến TV Nhật thì mọi người đều nghĩ ngay đến các sản phẩm cao cấp với chất lượng hình ảnh tuyệt vời kèm theo mức giá vô cùng đắt đỏ. Quay trở lại thời điểm hiện tại, công nghệ phát triển như vũ bão khiến mọi thứ tưởng chừng trở nên rẻ hơn bao giờ hết. Thật ra không đâu bạn ạ, để sở hữu một chiếc TV cao cấp thì bạn vẫn sẽ phải trả cả núi tiền, thậm chí là còn hơn cả ngày xưa. Khác chăng là ngày nay chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn giá mềm, chứ không phải cắn răng cắn lợi cày cuốc để sắm đồ Nhật như ngày xưa. Có câu tiền nào của nấy, và TV Nhật cũng không ngoại lệ.  

​80 triệu dành cho một chiếc TV 65 inch không phải là số tiền nhỏ, thậm chí là không tưởng đối với nhiều người. Tại sao phải bỏ một số tiền lớn như vậy để sắm TV trong khi chúng ta có hằng hà sa số những lựa chọn khác giá "hợp lý hơn? Câu hỏi này cũng giống như việc bạn sắm một chiếc TV Nhật 20 triệu đồng và hỏi rằng vì sao cũng cùng một thương hiệu mà TV bạn không bền bằng cái TV 80 triệu của nhà hàng xóm. 80 triệu cũng là mức giá mà Sony đề xuất cho phiên bản 65 inch của Bravia X9300E.

​Ngay từ cái nhìn đầu tiên thì ấn tượng của mình về X9300E là đây là TV Nhật cao cấp, không lẫn vào đâu được. Đó là triết lý thiết kế "cổ điển" đề cao những yếu tố thiết yếu chắc chắn sẽ không thay đổi hơn là chạy theo xu hướng phô diễn công nghệ mà không ai biết có tồn tại dài lâu hay không. Có người nói đó là sự bảo thủ, nhưng cũng có người cho rằng đó là sự thực dụng đã tạo nên chất lượng vốn trở thành thương hiệu của Nhật. Chẳng hạn như xem TV thì viền màn hình mỏng là đủ đem lại trải nghiệm tốt cho bạn rồi, còn phần phía sau thì mỏng chủ yếu là để phô diễn công nghệ thôi.

Hứa hẹn sẽ rất bền
Bền? Nói thật ra thì mình chả có bằng chứng rõ ràng nào có thể khẳng định là chiếc TV X9300E mà mình sử dụng trong thời gian qua bền hơn những chiếc TV khác cả. Có chăng đó là cái cảm giác khi dùng một chiếc TV với thiết kế cứng cáp, chắc chắn như một chiếc xe tăng. Đẹp xấu thì tuỳ vào cảm nhận của mỗi người, nhưng đối với mình thì sự chắc chắn mà X9300E sở hữu luôn mang lại cảm giác yên tâm hơn so với xu hướng dát mỏng hết mức có thể chỉ đơn thuần là để phô diễn công nghệ. Và có lẽ là ảnh hưởng từ kinh nghiệm của hằng hà sa số phụ huynh ngày trước đã từng tích cóp dành dụm để sắm một chiếc TV Nhật đắt tiền cho gia đình xem, mà đến giờ vẫn chưa hỏng để con cháu nó mua cái mới về xài.  

​Điều thú vị là Sony không hẳn là không chạy theo xu hướng, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng họ chỉ chạy theo xu hướng đối với các dòng TV thấp hơn mà thôi, chứ còn dòng đầu bảng thì họ luôn trung thành với phong cách truyền thống. Chẳng hạn như Sony từng đua độ mỏng với series X9000B, hay dùng thiết kế màn hình cong cho S series; nhưng X9300/X9400 series thì luôn là thiết kế phẳng và cũng chẳng ăn thua về độ mỏng. Mình có cảm giác người Nhật rất thận trọng, sẽ không có sự thử nghiệm nào trong những sản phẩm cao cấp mang tính chất biểu tượng của họ. Đôi lúc điều này phản tác dụng, nhưng cũng có lúc trở thành quyết định đúng đắn. Vâng, cứ nhìn trào lưu màn hình cong dần biến mất chỉ vỏn vẹn 3-4 năm là hiểu.

Nói chung là X9300E có thể không quá bóng bẩy so với những TV khác, nhưng cái sự lịch lãm của nó thì mình nghĩ vài năm sau cũng sẽ không lỗi mốt.

Trải nghiệm đem lại tốt trong tầm giá
Cá nhân mình thích nhất ở X9300E và có lẽ là hầu hết các TV Sony chính là chất lượng hình ảnh. Đối với TV, 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hình ảnh là tấm nền và bộ xử lý hình ảnh. Sony thì luôn tự hào về bộ xử lý của họ, đặc biệt là dòng X1 Extreme được tích hợp bên trong X9300E. Cũng phải thôi, thời buổi hiện nay chuyện hãng này mua tấm nền của hãng kia là rất bình thường, thậm chí chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi 2 dòng TV khác hãng lại dùng chung một loại tấm nền cả. Tuy nhiên bộ xử lý hình ảnh luôn là độc quyền, chẳng ai muốn bán công nghệ tạo sự khác biệt của mình cho đối thủ cả.  

​Ở dòng cao cấp như X9300E, Sony đưa ra rất nhiều tuỳ chọn phổ thông như độ sáng đèn nền, độ tương phản, độ bão hoàn màu sắc,... cho đến nâng cao như cân bằng trắng, độ mượt chuyển động, khử nhiễu,... Bạn hoàn toàn có thể cân chỉnh nó về tiêu chuẩn "điện ảnh" như THX hay AVS HD 709. Tuy nhiên thực tế thì không phải ai cũng có đủ thời gian và kiên nhẫn để cân chỉnh, thậm chí chưa chắc chuyện "chuẩn" với các chuyên gia lại hợp gu với gu của bạn.  

​Đó là lý do mà TV thường có rất nhiều chế độ màu sắc cho bạn lựa chọn, và đây là điểm mạnh ở các dòng TV cao cấp của Sony. Đối với X9300E, bạn có rất nhiều tuỳ chọn mặc định sẵn: Sống động, tiêu chuẩn, Cinema chuyên nghiệp, Cinema tại nhà, thể thao, hoạt hình và tuỳ chọn (tức là tự cân chỉnh theo ý muốn). Mình từng thử qua nhiều hãng, nhưng trong phân khúc này thì Sony là thương hiệu cho bạn nhiều tuỳ chọn nhất.  

​3 chế độ mà mình thường sử dụng trên TV là Tiêu Chuẩn, Cinema Chuyên Nghiệp và Cinema tại nhà thường thiên về tông màu ấm, đem lại cảm giác dễ chịu và nịnh mắt khi xem. Và điều quan trọng nhất là những chế độ này vẫn giữ chi tiết rất tốt, ở cả vùng sáng và vùng tối. Bên cạnh đó thì độ bão hoà màu cũng giữ ở mức vừa phải, không tạo nên cảm giác quá rực cho hình ảnh. Gu thưởng thức của mỗi người chúng ta mỗi khác nên mình sẽ không đánh giá điều này, nhưng về độ chi tiết luôn là điểm mạnh của TV Sony từ trước đến nay. Một điểm khá hay là nếu như thông thường chúng ta chỉ thấy chế độ Cinema thôi, nhưng đối với dòng này thì Sony đưa ra 2 tuỳ chọn là Cinema chuyên nghiệp và Cinema tại nhà. Về cơ bản thì chế độ chuyên nghiệp đưa về chuẩn chung dành cho phòng chiếu, vốn có không gian tối nên nếu bạn xem ở môi trường sáng thì có thể sẽ cảm thấy hơi nhợt nhạt. Chế độ Cinema tại nhà khắc phục điều này bằng cách cân chỉnh cho màu nổi hơn (nhưng không nhiều như tiêu chuẩn hay sống động), phù hợp với môi trường gia đình như phòng khách.  

​Bên cạnh đó, Sony và LG là 2 hãng hỗ trợ đầy đủ cả 3 chuẩn hình ảnh HDR là HDR10, HLG và Dolby Vision. Trong khi đó thì các mẫu TV của Samsung chỉ hỗ trợ duy nhất HDR10. Cuộc chiến định dạng HDR hiện tại vẫn còn đang tiếp diễn, tuy vậy nếu bạn dùng X9300E thì cũng chẳng cần quan tâm mấy vì cái nào TV cũng hỗ trợ.  

​X9300E có một điểm mà mình đánh giá rất cao đó là khả năng nội suy hình ảnh. Chuyện đầu vào chất lượng cao thì hình ảnh đẹp là chuyện bình thường, tuy nhiên nguồn vào chất lượng càng thấp thì lợi thế TV Sony sẽ càng cao hơn. Độ sắc nét từ 1080p, thậm chí là 720p được nội suy khá ổn và rất ít nhiễu. Đối với những bạn bên cạnh các nội dung chất lượng cao (Netflix, rip từ Blu-ray,...) vẫn xem truyền hình kỹ thuật số hay thậm chí là YouTube sẽ thấy chất lượng cải thiện đáng kể.  

​Những năm gần đây thì về mặt âm thanh Sony không đầu tư quá nhiều vào dòng X9300E nữa với dạng loa tích hợp đánh dội sàn kiểu truyền thống. Nghe vẫn to rõ, nhưng độ chi tiết thì có cảm giác vẫn chưa thể sánh được với thời loa từ lỏng tách biệt của đời C trở về trước. Thật ra cái này cũng không quá quan trọng, vì rất khó để làm một chiếc loa tích hợp cân xứng với chất lượng hình ảnh của TV. Chính vì lẽ đó mà các hãng TV hiện nay đều phát triển các dòng soundbar dành cho những người muốn cải thiện trải nghiệm âm thanh mà vẫn muốn tông xẹt tông với thiết kế TV. Cơ mà nếu đã chơi đến dòng cao cấp như thế này thì có lẽ bạn cũng nên sắm dàn loa chuyên dụng cho cùng đẳng cấp.  

​Có lẽ điều mà mình chưa hài lòng duy nhất ở Sony X9300E đó là hệ điều hành. Cái này không hẳn là lỗi của Sony, vì Android TV
 là do Google phát triển. Phiên bản 7.0 mới nhất có vẻ Google đã hơi tham lam khi bổ sung quá nhiều tính năng, đặc biệt là chuyện đa nhiệm, nên trải nghiệm không mượt như trước đây. Dĩ nhiên là không đến nỗi khó chịu, chỉ là thiếu sự mượt mà như những phiên bản trước.  

​Bù lại thì Android TV vẫn là hệ điều hành có kho ứng dụng phong phú nhất hiện nay, thậm chí bạn có thể cài cả ứng dụng Android thường thông qua file APK. Tất cả Android TV đều được tích hợp sẵn Chromecast, vì vậy bạn có thể kết nối với điện thoại Android lẫn iOS một cách dễ dàng. So với Miracast sao chép toàn bộ lại màn hình, Chromecast tiện hơn vì bạn còn có thêm tuỳ chọn dùng điện thoại như remote kích hoạt ứng dụng trên TV. Giao diện không nhiều khác biệt so với thời điểm mới ra mắt, dù vẫn trực quan và dễ sử dụng nhưng có lẽ đã đến lúc Google cần sự thay đổi.

Lời kết

​Với mức giá 80 triệu đồng, X9300E phiên bản 65 inch không phải là dòng TV cao cấp nhất nhưng nó có thể xem là điểm dừng tốt nếu bạn chỉ đơn thuần là muốn trải nghiệm các công nghệ và tính năng mới của Sony với một mức giá hợp lý. Để đạt chất lượng hình ảnh tốt hơn nữa, bạn sẽ phải chuyển sang đèn nền LED full-array hoặc OLED với mức giá còn cao hơn nhiều nữa. Và điều cuối cùng là với thiết kế cực kỳ chắc chắn, Sony X9300E đem lại cảm giác rất bền bỉ và phù hợp với những bạn sắm TV sử dụng lâu dài.

 

Theo tinhte.vn