Đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, nhiều gia đình đã lựa chọn mua máy lọc không khí như một giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, điều được rất nhiều người quan tâm là máy lọc không khí có lọc được bụi PM2.5 hay không.
Những năm gần đây, do phương tiện giao thông tăng nhanh phát sinh khí thải, khói bụi, kết hợp cùng nhiều yếu tố khác như nạn đốt rác, đốt rơm rạ…đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí. Đặc biệt là những ngày vừa qua, do xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan (mây mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp và nghịch nhiệt), dẫn đến việc chỉ số AQI của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM luôn ở mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trong bối cảnh chưa thể tìm biện pháp khắc phục, rất nhiều người dân đã tìm mua các sản phẩm máy lọc không khí, từ loại mini, gia đình, cho tới loại chuyên dụng, với hy vọng lọc bụi, giúp không khí trở nên trong lành, không bị ô nhiễm.
Vậy, nguyên lý hoạt động của máy lọc không khí là như thế nào, và liệu có phải máy lọc nào cũng loại bỏ được bụi mịn PM2.5 - thứ đang khiến người dân tại các thành phố lớn sợ hãi hay không?
Nguyên lý hoạt động của máy lọc không khí
Mỗi màng lọc trên máy lọc không lại có một chức năng khác nhau.
Đa số các mẫu máy lọc không khí hoạt động theo nguyên tắc đối lưu, cụ thể là chúng sẽ hút không khí ban đầu trong phòng, sau đó được quạt đẩy di chuyển qua các màng lọc. Tại đây, các màng lọc sẽ giúp giữ lại toàn bộ nấm mốc, bụi bẩn hoặc vi khuẩn rồi thổi không khí sạch trở lại căn phòng.
Ở một số model, máy lọc có trang bị chức năng ion, hoạt động dựa trên sự phát tán các ion âm vào trong không khí. Các ion này sẽ bám vào khói bụi, vi khuẩn trong không khí và bản tích điện dương của máy sẽ hút chúng quay lại trong máy.
Tuy nhiên, để phân loại máy lọc không khí, còn phải dựa rất nhiều vào hệ thống màng lọc bên trong bộ lọc, gồm các loại như Màng lọc thô (Pre-GFIlter), màng lọc than hoạt tính (Màng carbon), màng phấn hoa, màng lọc không khí HEPA,....
Có phải máy lọc không khí nào cũng lọc được bụi mịn PM2.5?
Điều rất nhiều người quan tâm là máy lọc không khí có lọc được bụi PM2.5 hay không. Nếu bạn chưa biết, thị bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 µm trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần).
Được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác, loại bụi này nguy hiểm ở chỗ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư....
Do tính chất cực nhỏ và trộn lẫn trong không khí, nên không phải màng lọc cơ học nào cũng loại bỏ được bụi mịn PM2.5, mà cần tới những loại chuyên biệt. Trong đó, màng lọc HEPA hiện được xem là hiệu quả nhất tại thời điểm hiện nay.
Cấu tạo zic zac của màng lọc HEPA giúp ngăn bụi mịn hiệu quả.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Queensland (thành phố Brisbane, nước Úc), màng lọc HEPA đúng tiêu chuẩn, được làm hoàn chỉnh sẽ loại bỏ được 99,9% những tạp chất có trong không khí…. bao gồm những hạt nhỏ đến 0,3 µm, tức nhỏ hơn nhiều so với loại 2.5 µm.
Tuy nhiên, với những loại màng lọc HEPA phổ biến trên thị trường hiện nay và được bày bán rộng rãi, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng chúng lọc được khoảng từ 70-80% bụi mịn PM2.5, theo nhận định của một số chuyên gia. Dẫu vậy, con số này vẫn là tốt hơn rất nhiều so với bầu không khí tự nhiên dù là trong phòng hay ngoài trời.
Ngoài ra, vẫn còn phương pháp tốt hơn cả màng lọc HEPA, đó là hệ thống lọc tĩnh điện, khi chúng sử dụng điện cực để hút các hạt bụi vào bên trong máy. Sau đó, người dùng chỉ cần làm vệ sinh, làm sạch định kỳ tấm lọc là đã có thể đảm bảo vệ sinh cho căn phòng. Tuy nhiên, các mẫu máy lọc tĩnh điện thường là loại dành cho công nghiệp, và khá khó tiếp cận với người dùng phổ thông.
Máy lọc không khí dựa trên cơ chế tĩnh điện.
Cũng cần lưu ý rằng mỗi loại máy lọc lại đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau. Thí dụ máy lọc than hoạt tính có thể diệt khuẩn, khử mùi hôi, mùi khó chịu, thuốc lá, mùi động vật,... hiệu quả, nhưng lại không thể ngăn bụi mịn.
Còn máy lọc không khí dựa trên công nghệ ozon hay ion plasma cũng có thể lọc một phần bụi, nhưng mặt trái của nó là ion âm lại kích thích sự phát triển của vi khuẩn, vi rút. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh màng lọc để đảm bảo cho sức khỏe.
Một số tác dụng khác của máy lọc không khí
Máy lọc không khí mang đến rất nhiều tác dụng cho người sử dụng. Ngoài việc loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và các chất gây dị ứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe, máy lọc không khí còn có thể sử dụng các tia UV giúp loại bỏ các loại vi khuẩn, virus và khử khuẩn hiệu quả.
Một số thiết bị cũng có khả năng lọc và loại bỏ các chất hữu cơ. Ví dụ như mùi mồ hôi, mùi thức ăn để trả lại không khí sạch sẽ, trong lành. Trong trường hợp không khí quá ẩm, ẩm nồm thì thiết bị sẽ có tác dụng hút ẩm. Ngược lại, nếu môi trường khô hanh thì máy lọc không khí sẽ giúp tăng cường độ ẩm cho không gian sử dụng.
Không khí trong lành cộng với việc tăng cường tinh dầu nên các loại côn trùng sẽ không sẽ không còn xuất hiện, giúp người sử dụng cảm thấy thư giãn, tinh thần thoải mái, giảm stress.
Theo dantri.com