Khắc phục những sai lầm thường thấy khi dùng tủ lạnh

Khắc phục những sai lầm thường thấy khi dùng tủ lạnh

Mặc dù dùng tủ lạnh thường xuyên nhưng chúng ta thường ít để ý đến một số nguyên tắc khi dùng tủ lạnh để giữ cho nó hoạt động hiệu quả, an toàn.

1.

Khắc phục những sai lầm thường thấy khi dùng tủ lạnh

Mặc dù dùng tủ lạnh thường xuyên nhưng chúng ta thường ít để ý đến một số nguyên tắc khi dùng tủ lạnh để giữ cho nó hoạt động hiệu quả, an toàn.

Đừng chứa quá nhiều đồ trong tủ lạnh

Thông thường các bà nội trợ bận rộn sẽ đi chợ một buổi vào ngày cuối tuần và sau đó về nhét đầy tủ lạnh, cả ngăn mát lẫn ngăn đá. Trên thực tế, để tủ lạnh "đủ lạnh" và giữ được thực phẩm tươi ngon thì bạn cần chừa lại một số khoảng trống để không khí có thể lưu thông.

Nếu không có sự lưu thông không khí, tủ lạnh luôn phải "cố gắng" để giữ mát tủ, động cơ chạy liên tục vừa tốn điện vừa chóng hỏng, thực phẩm không đủ lạnh sẽ nhanh bị hỏng hơn. Để kiểm tra tủ lạnh có bị quá tải không, bạn sờ tay phía bên ngoài tủ hoặc mặt sau tủ, nếu thấy có hơi nóng thì lập tức phải giải phóng bớt đồ chứa trong tủ.

Luôn kiểm tra cánh tủ xem có đóng khít không

Cửa tủ lạnh luôn cần phải đóng kín, nhưng đôi khi vô tình bạn để đồ trong tủ nhiều quá khiến cửa tủ không đóng kín được. Nếu tủ lạnh đang chứa đầy thực phẩm, hãy đảm bảo cánh tủ được đóng khít, nếu không tủ sẽ bị mất nhiệt.

Phần đệm cao su ở cánh tủ có thể bị lão hoá theo thời gian, do đó bạn cũng cần kiểm tra để thay thế đệm cửa nếu tủ lạnh nhà bạn đã có thời gian sử dụng từ khoảng 3 năm trở lên.

Đừng đặt nhiệt độ thấp quá

Đôi khi bạn chất rất nhiều đồ trong tủ lạnh và bạn nghĩ là nên hạ nhiệt độ xuống thêm để tăng độ lạnh cho tủ. Nói chung điều này là đúng nếu bạn không để nhiệt độ quá thấp, và có điều chỉnh tăng lên khi đã dùng bớt thực phẩm.

Tuy nhiên nếu để nhiệt độ thấp thường xuyên, tủ lạnh của bạn không những sẽ ngốn nhiều điện hơn mà thực phẩm có thể hình thành các hạt tinh thể băng, ví dụ trong sữa và trái cây, thậm chí ở rau, điều này sẽ làm biến chất thực phẩm.

Nếu để đồ quá nhiều thì nhiệt độ trong tủ tất nhiên cũng sẽ bị tăng lên, không đủ lạnh. Do đó, để biết nhiệt độ cần thiết mà điều chỉnh, bạn nên đặt trong tủ lạnh một nhiệt kế. Nhiệt độ lý tưởng trong tủ lạnh là 1,6-3,3 độ C. Thực hiện các điều chỉnh nhiệt độ sau khoảng 1-2 giờ cho đến khi đạt được nhiệt độ mong muốn.

Thường xuyên lau chùi và giữ sạch tủ lạnh

Ở rất nhiều gia đình, tủ lạnh là nơi ít được vệ sinh nhất, có khi vài tháng hoặc thậm chí cả năm không vệ sinh tủ. Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo làm sạch tủ lạnh của bạn như là một phần của việc "thường xuyên làm sạch nhà bếp", vì vi khuẩn nguy hiểm từ một rò rỉ nhỏ trong một gói thịt có thể làm ô nhiễm thực phẩm khác mà có thể bạn không nấu lên trước khi ăn (ví dụ trái cây tươi).

Bạn nên vệ sinh tủ lạnh định kỳ hàng tuần. Để làm sạch tủ lạnh, có thể bạn chỉ cần một ít nước pha nước chanh để khử mùi. Những vết bẩn lâu ngày thì nên dùng khăn sạch nhúng nước xà phòng diệt khuẩn để rửa sạch. Sau cùng vẫn phải dùng nước sạch để lau hết các chất tẩy rửa.

Lưu ý : Hàng tháng nên dùng máy hút bụi để hút sạch bụi dưới gầm tủ, xung quanh lưới tản nhiệt và động cơ, điều này sẽ giúp tủ lạnh của bạn chạy bền hơn. Không đặt thực phẩm nóng vào tủ lạnh. Hầu hết các tủ lạnh có thể mất một chút nhiệt khi đưa thực phẩm mới vào, đôi khi thực phẩm hơi ấm một chút cũng không sao. Nhưng sẽ là thảm hoạ đối với các thực phẩm khác nếu bạn đưa vào tủ lạnh một nồi chè nóng hoặc một thực phẩm nào đó rất nóng mà bạn đang vội không kịp chờ nó nguội rồi mới cất. Nếu món ăn nóng đó khiến nhiệt độ trong tủ tăng lên mức 4,5 độ C thì vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và thực phẩm của bạn không còn an toàn để ăn.

Nếu cần cất thức ăn nóng trong tủ lạnh (trong trường hợp vội như đề cập ở trên), bạn cần chia nó ra các hộp chứa nhỏ hơn. Điều này giúp không khí lưu thông nhiều hơn và làm nguội thức ăn nhanh hơn, cho phép nhiệt độ của tủ lạnh sớm được đưa về mức nhiệt lý tưởng.

Không cho trái cây và rau vào cùng một túi khoá kéo

Bạn không thể giữ tươi thực phẩm mãi mãi cho dù bạn có để chúng trong tủ lạnh, nhưng có hai điều bạn có thể làm để giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn, hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Đầu tiên, không rửa trái cây và rau quả cho đến khi bạn đã sẵn sàng sử dụng chúng, vì vi khuẩn rất thích sự ẩm ướt. Thứ hai, giữ rau và trái cây trong các túi khoá kéo riêng biệt. Trái cây thường phát ra ethylene, một loại khí có thể đẩy nhanh thời gian hư hỏng của các loại rau.

Không đặt trứng ở cánh tủ lạnh

Hầu hết các tủ lạnh đều có khay đựng trứng và chúng ta thường xếp trứng vào đó, khá tiện dụng. Tuy nhiên thực tế là khu vực đó quá ấm đối với trứng. Thay vào đó, hãy giữ trứng trong thùng carton hoặc khay đựng trứng rồi đưa vào khu vực sát vách phía sau của tủ lạnh, nơi nhiệt độ lý tưởng nhất để bảo quản trứng.

Nguồn Đông Phong(VNreview.vn)