Đối tượng được cấp khoản định danh điện tử gồm những ai?

Đối tượng được cấp khoản định danh điện tử gồm những ai?

Biên tập bởi: Nguyễn Thị Lợi - Cập nhật ngày 08/09/2022 13:45
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mang lại cho người dân nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí,… Vậy đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử gồm những ai? Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử như thế nào? Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1.

Những ai được cấp tài khoản định danh điện tử?

Tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP.


Theo Nghị định 59/2022, các cá nhân, tổ chức được cấp tài khoản định danh điện tử gồm:

- Mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeiD. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Đối với người được giám hộ khác thì cần đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Mọi người dân được miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chip.

2.

Tài khoản định danh điện tử có dễ lộ thông tin cá nhân?


- Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên phần mềm hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin.

- Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin.

- Bên thứ 3 (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công) muốn sử dụng dữ liệu của công dân sẽ phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.

- Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân.

3.

2 cách đăng ký tài khoản định danh điện tử

Theo Điều 5 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ như sau:

- Mức độ 1: Người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID sẽ được sử dụng một số tính năng cơ bản gồm: Phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).

- Mức độ 2: Công dân đến cơ quan công an địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) để đăng ký có thể sử dụng tất cả tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp gồm: Tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền).

Cách 1: Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNeID

Đối với công dân đã có căn cước công dân (CCCD) gắn chip, việc đăng ký tài khoản định danh điện tử qua app VneID được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tải và cài đặt ứng dụng VNeID về thiết bị di động trên Google Play hoặc App Store.

Link tải VNeID trên Google Play

Link tải VNeID trên App Store


Bước 2: Người dùng nhập thông tin số định danh cá nhân là số CCCD và số điện thoại chính chủ đã đăng ký với nhà mạng; chụp ảnh chân dung theo hướng dẫn trên VNeID và gửi yêu cầu đề nghị cấp TKĐDĐT tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID.

Khi đó, cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Cách 2: Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền


- Công dân đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục cấp TKĐDĐT.

- Xuất trình thẻ CCCD gắn chip, cung cấp số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử, chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

- Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Trong trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cơ quan công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD.

Hy vọng thông tin trong bài viết mà MediaMart tổng hợp được sẽ giúp bạn nắm được đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử cũng như cách đăng ký tài khoản định danh điện tử. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích thì đừng quên chia sẻ đến mọi người nhé!