Bánh trôi, bánh chay
Đây là 2 loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực được nhiều người yêu thích. Hai thứ bánh này đều được làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, vỏ ngoài trắng, nhân bên trong là đường phên đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn thì rưới thêm nước đường gừng lên trên.
Hai loại bánh này có hình dáng tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn, tròn đầy trong cuộc sống. Vì thế, mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất lại vừa là cách cầu may mắn cho gia đình và bản thân.
Bánh nhót mật mía
Bên cạnh bánh trôi, bánh chay truyền thống thì ngày Tết Hàn thực ăn gì? Câu trả lời là đó chính là bánh nhót xào mật. Đây là loại bánh có cách làm khá đơn giản, không khác nhiều mấy so với bánh trôi, tuy nhiên ngoại hình có chút khác biệt.
Bánh nhót mật mía được nặn thuôn hai đầu, có hình dạng giống với quả nhót. Phần nhân bánh rất đa dạng, có nơi dùng nhân đậu xanh sên đường phèn, nhân lạc hoặc cũng dùng đường phên. Một số nơi thì dùng bánh nhót chay, không có nhân.
Khi luộc bánh, bánh nổi lên thì bạn vớt ra cho bát nước lạnh để bánh săn lại. Bánh có thể ăn với nước đường gừng hoặc mật mía và gừng. Cuối cùng, chỉ cần rắc chút vừng rang lên trên và thưởng thức là được.
Bánh Xuân Thái
Bánh Xuân Thái là loại bánh cuốn có nhân thịt và rau tươi mùa xuân bên trong. Hình dáng bên ngoài của bánh tựa như bánh cuốn nên bánh Xuân Thái cũng được coi là phiên bản nguyên thủy của bánh cuốn ngày nay.
Theo nghiên cứu, từ thời xưa, dân ta có tục ăn bánh cuốn và đem bánh cuốn tặng nhau vào dịp Tết Hàn thực. Chính vì thế, trong ngày Tết Hàn thực, ăn và tặng nhau bánh cuốn cũng là một cách để thu hút may mắn.
Trên đây là Tết Hàn thực ăn gì để được gặp nhiều may mắn? Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ có ích cho bạn.