Một số loại thực phẩm đặc biệt nếu đặt trong nhiệt độ thấp của tủ lạnh sẽ bị thay đổi kết cấu và hương vị, thậm chí cả giá trị dịnh dưỡng.
1. Cà phê: Cà phê cần một môi trường khô ráo và thoáng mát để giữ được độ tươi, nên không thích hợp để trong tủ lạnh. Cách bảo quản cà phê tốt nhất là bạn nên giữ chúng trong các hộp kín và bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh xa nơi có độ ẩm và ánh sáng mặt trời.
2. Bánh mì: Nhiệt độ thấp sẽ làm bề mặt của bánh mì bị khô, không còn giữ được kết cấu ban đầu, thậm chí sẽ bị dai nếu bạn cất chúng trong tủ lạnh quá lâu.
3. Cà chua: Cho cà chua vào tủ lạnh sẽ làm mất hương vị và giá trị dinh dưỡng, do kết cấu bên trong cà chua bị thay đổi. Cà chua sẽ chín đều và giữ được hương vị thơm ngon hơn khi bạn chế biến chúng ở nhiệt độ phòng.
4. Húng quế: Húng quế có xu hướng hấp thụ các mùi khác nhau trong tủ lạnh, và dần bị héo, ngoài ra hương vị của húng quế cũng khó giữ được trong môi trường nhiệt độ thấp. Cách bảo quản húng quế tốt nhất giống như bạn bảo quản hoa, để húng quế trong một ly nước là đảm bảo chúng sẽ luôn tươi.
5. Cà tím: Cà tím là loại rau củ rất nhạy cảm với nhiệt độ, việc đặt chúng trong tủ lạnh sẽ làm vỡ các kết cấu bên trong và khiến cà tím mất hương vị tự nhiên. Bạn nên bảo quản cà tím trong nhiệt độ phòng và tránh xa các loại trái cây và rau củ khác.
6. Bơ: Những trái bơ luôn luôn cần chín sau khi bạn mua về, việc giữ bơ trong tủ lạnh làm chậm quá trình chín của bơ. Hãy giữ bơ ở nơi khô thoáng bên ngoài để đảm bảo bơ sẽ luôn ngon và chín tự nhiên.
7. Tỏi: Tỏi là loại thực phẩm mà bạn không nên giữ trong tủ lạnh, bởi chúng sẽ héo và phát triển nấm mốc, thậm chí còn có thể nảy mầm. Loại thực phẩm này nên để ở bên ngoài nơi có không khí lưu thông, chúng sẽ tươi trong suốt một tháng.
8. Mật ong: Lưu trữ mật ong trong tủ lạnh sẽ khiến chúng kết tinh và trở nên đặc quánh, rất khó lấy ra. Loại nguyên liệu này bạn có thể thoải mái để bên ngoài vì mật ong có cơ chế bảo quản tự nhiên rất tốt.
9. Tương ớt, sốt cà chua: Những chai tương ớt và sốt cà chua có chất bảo quản để giữ cho chúng không bị hỏng và không cần làm lạnh. Nhiều nhà hàng cũng giữ chúng ở trên bàn sử dụng trong một thời gian dài.
10. Dầu olive: Bạn nên giữ dầu olive trong khu vực tối, mát mẻ và trong hộp kín. Việc giữ dầu olive trong tủ lạnh sẽ làm chúng cứng lại như bơ. Theo một nghiên cứu khoa học, điều này sẽ khiến lợi ích chống oxy hóa của chúng mất đi, giữ ngoài nhiệt độ phòng chúng sẽ tự bảo quản được trong 6 tháng.
11. Cam: Cam là loại hoa quả có tính axit cao nên có thể bị hỏng nếu giữ trong nhiệt độ lạnh, lớp vỏ cam cũng có thể trở nên xỉn và đổi màu nếu để lạnh quá lâu. Nhờ có lớp vỏ dày và cứng này, cam có thể thoải mái giữ trong môi trường ấm hơn.
12. Đu đủ: Để giữ đu đủ nhanh chín tốt nhất bạn nên giữ đu đủ ở bên ngoài tủ lạnh và thường xuyên lật chúng. Cách bảo quản đu đủ cũng giống như chuối, hãy bọc chúng trong túi giấy để tăng tốc quá trình chín nếu cần thiết.
13. Khoai tây: Khoai tây ngon nhất là khi bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Giữ khoai tây trong tủ lạnh có thể làm chúng bị chát, mất hương vị, nấu khoai tây lạnh lớp vỏ khoai cũng có thể sẫm màu và bên trong bị bột.
14. Chuối: Chuối là loại hoa quả nhiệt đới, được trồng ở những vùng có nhiệt độ nóng và sẽ giữ được dinh dưỡng tốt hơn nếu đặt chúng ở nhiệt độ phòng. Giữ chuối trong tủ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín tự nhiên, gây tổn hại kết cấu tế bào bên trong.
15. Chocolate: Rất nhiều người đặt những thanh chocolate của họ trong tủ lạnh để giữ chúng không bị tan chảy hoặc trở nên quá mềm. Vấn đề lớn nhất ở đây là hương vị chocolate sẽ bị thay đổi khi tiếp xúc nhiệt độ thấp, giữ lâu sẽ khiến lớp ngoài chocolate thay đổi kết cấu, không còn ngon như ban đầu.
16. Dưa hấu: Miễn là dưa hấu chưa bị bổ ra, bạn không nên giữ chúng trong tủ lạnh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các thành phần dinh dưỡng của dưa hấu sẽ bị ảnh hưởng ở nhiệt độ thấp. Với những quả dưa đã cắt bổ bạn mới nên bảo quản trong tủ lạnh, nhưng cũng nên bọc chúng vào để không tiếp xúc trực tiếp vi khuẩn.
Nguồn: Zing.News