Màn hình IPS là gì? Có trên sản phẩm nào? Ưu và nhược điểm?
Biên tập bởi: Ngô Khánh - Cập nhật ngày 12/05/2022 11:09
Màn hình IPS đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trên các sản phẩm như điện thoại, tablet. Vậy màn hình IPS là gì, ưu nhược điểm ra sao? Cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
1.
Công nghệ màn hình IPS là gì?
Màn hình IPS (In-Plane Switching) là nhánh chủ đạo của màn hình LCD (trong khi hầu hết các dạng màn hình trên thị trường hiện nay là TFT LCD).
Màn hình IPS được phát triển bởi hãng Hitachi vào năm 1996 nhằm khắc phục những nhược điểm cố hữu của công nghệ màn hình truyền thống có góc nhìn và dải màu hẹp.
Màn hình IPS bao gồm những thành phần đặc trưng của LCD, tuy nhiên điểm khác biệt của màn hình này là các lớp tinh thể lỏng giờ đây được xếp theo hàng ngang (đây là nguồn gốc của cụm từ "In Plane") song song với 2 lớp kính phân cực ở trên và dưới thay vì vuông góc. Sự thay đổi này làm giảm lượng ánh sáng tán xạ, cung cấp góc nhìn rộng và tái tạo màu sắc tốt.
Màn hình IPS hiển thị hình ảnh với gam màu rộng hơn, thường được sử dụng trong các thiết bị cao cấp, rất thích hợp cho thiết kế đồ họa vốn đòi hỏi khắt khe về chất lượng hiển thị.
Ngoài ra màn hình IPS còn cung cấp góc nhìn lên tới 178 độ so với phương ngang, điều này có nghĩa là người dùng không nhất thiết phải ngồi trực diện vẫn có thể trải nghiệm hết chất lượng của hình ảnh.
2.
Ưu và nhược điểm của công nghệ màn hình IPS
Bất kỳ loại màn hình nào cũng có điểm mạnh và tồn tại yếu điểm riêng và công nghệ màn hình IPS cũng không ngoại lệ.
Ưu điểm
Độ sáng, độ tương phản cao và chính xác.
Quá trình tái tạo màu sắc trung thực hơn, vì các tinh thể lỏng sắp xếp theo phương pháp tiên tiến.
Chi tiết trên màn hình IPS không bị biến đổi quá nhiều khi nhìn ở các góc khác nhau.
Thời giản phản hồi cũng đang dần được cải tiến với chất lượng tốt hơn.
Nhược điểm
So với công nghệ TN truyền thống, IPS tiêu tốn điện năng hơn khoảng 15%.
Chi phí sản xuất tấm nền IPS cũng đắt hơn so với tấm nền TN.
Cùng với sự xuất hiện của những công nghệ màn hình mới như OLED hay AMOLED với thiết kế mỏng hơn, chịu lực tốt hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn, màn hình IPS đã không còn chiếm giữ được ưu thế tuyệt đối như trước nữa.
3.
Các sản phẩm sử dụng công nghệ màn hình IPS
Hiện nay công nghệ màn hình IPS vẫn đang được trang bị trên nhiều sản phẩm công nghệ phổ biến như điện thoại, máy tính bảng hay laptop trong phân khúc từ tầm trung đến cao cấp của nhiều hãng.
Màn hình IPS được ứng dụng trên smartphone giá rẻ hoặc tầm trung ở các hãng từ Samsung, OPPO, Vivo, Huawei, Apple (iPad),... hoặc các dòng laptop phân khúc tầm trung đến từ Acer, Asus, Dell, Apple,...
Ngoài ra, trên các sản phẩm tivi cũng áp dụng công nghệ này giúp màn hình có độ bền cao hơn, cho góc nhìn rộng và đảm bảo độ hiển thị tốt nhất, có sự nhất quán về màu sắc và độ rõ nét. Người dùng có thể ngồi xem tivi ở bất kì chỗ nào trong nhà vẫn thấy được màu sắc tự nhiên và chân thật của hình ảnh.